Ở mùa tuyển sinh đại học năm nay, việc thí sinh chọn trường theo tâm lý ngành hot, trường top, cũng là một trong những lý do đẩy điểm chuẩn ở một số ngành tăng đột biến. Nhiều chuyên gia cho rằng, "bức tranh" điểm chuẩn sẽ được cải thiện nếu học sinh, phụ huynh căn cứ vào kết quả kiểm định chất lượng các trường đại học để làm thước đo chọn trường. Tuy nhiên, trên thực tế, giả thiết này lại vấp phải khó khăn, khi đến nay việc kiểm định đại học theo bộ tiêu chuẩn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn còn diễn ra tương đối chậm.
Sau nhiều nỗ lực, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã được công nhận kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả này càng có ý nghĩa hơn khi được trao đúng vào mùa tuyển sinh.
PGS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho hay, khi được đánh giá khách quan, công tâm bởi đoàn đánh giá bên ngoài, thì phụ huynh, xã hội sẽ có căn cứ để tin tưởng và một môi trường đào tạo nghiêm túc.
Tuy nhiên, đến nay, tính cả Học viện Phụ nữ Việt Nam, mới có hơn 30 trường đại học được kiểm định theo bộ tiêu chí mới, nghĩa là người học vẫn phải chờ thêm hơn 200 trường nữa. Với 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí ở 4 lĩnh vực, các nội dung đánh giá tăng lên gần như gấp đôi so với bộ kiểm định cũ. Vì thế, thời gian cũng kéo dài hơn.
Sau hơn 2 năm kể từ ngày tham gia, mới đây, Đại học Phenikaa cũng đã hoàn thành kiểm định. Giống như một cuộc "khám bệnh" tổng thể, kết quả là căn cứ để nhà trường xây dựng định hướng phát triển.
PGS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa nhận định: "Điểm mạnh nhất là trong hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, trường cần nỗ lực là mô hình quản trị và đào tạo khảo thí thì sau khi nhận báo cáo đánh giá của đoàn chuyên gia chúng tôi xây dựng kế hoạch từng bước khắc phục điểm còn yếu".
Không chỉ điểm mạnh mà điểm yếu cũng bộc lộ sau kiểm định. Do muốn tránh tình trạng "vạch áo cho người xem lưng", nhiều trường đại học lại chưa mấy mặn mà. Nhưng theo các chuyên gia, việc các trường dù lớn hay nhỏ khi tham gia kiểm định theo bộ tiêu chuẩn mới này sẽ được nhiều hơn mất.
TS Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm kiểm định Hiệp hội Đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, có nhiều tiêu chí phức tạp hơn nhưng nó sát và sâu, chuẩn hóa toàn bộ hoạt động của nhà tường, lập kế hoạch, rà soát, đánh giá lại xem cải tiến cái gì, quy trình phức tạp hơn...
Còn theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh yếu tố chủ quan thì việc chậm hoàn thành kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học còn do khách quan là ảnh hưởng bởi chu trình kiểm định theo chuẩn cũ. Bởi hiện nay, nhiều trường sắp hết thời hạn 5 năm theo chuẩn này và phải tham gia kiểm định lại.
Ông Phạm Quốc Khánh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chu kỳ cũng như yêu cầu cải tiến chất lượng và kiểm định chương trình, thời gian tới khi hết 5 năm kiểm định chương trình cũ thì rất nhiều trường thực hiện kiểm định theo chuẩn mới, không bắt buộc nhưng trường sẽ có góc nhìn tốt hơn để điều chỉnh.
Ngày càng nhiều trường sớm tham gia kiểm định theo bộ tiêu chí mới nghĩa là người học, xã hội sẽ hội đánh giá, lựa chọn các ngành học trường học trên cơ sở cùng một thước đo khách quan. Mỗi mùa tuyển sinh vì thế cũng phần nào tránh cảnh đông người đi qua khe cửa hẹp, áp lực thi cử dồn lên nhà trường, xã hội .
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!