Bộ GD&ĐT cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Thay đổi này là tích cực tuy nhiên khuyến khích phát triển nhưng không nên cổ súy và làm đại trà. Theo chuyên gia, chỉ nổi trội hơn một chút về kiến thức nhưng chưa đủ để xem đó là thần đồng.
Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học, đây là nội dung của Thông tư 28 về Điều lệ Trường tiểu học vừa được Bộ GD&ĐT chính thức ban hành.
Như vậy, từ ngày 20/10 tới, những phụ huynh có mong muốn cho con học vượt lớp có cơ sở để đề đạt nguyện vọng với nhà trường, còn nhà trường cũng có cơ sở để triển khai thực hiện.
Nhiều phụ huynh mong muốn cho con học vượt lớp
Thực tế, nhu cầu cho con học vượt lớp đã xuất hiện nhiều ở các phụ huynh có con học tiểu học. Tại TP.HCM, đã có nhiều trường hợp phụ huynh kiến nghị với nhà trường, rồi đến các phòng giáo dục để xin cho con học vượt lớp nhưng không được giải quyết.
Có trí nhớ vượt trội từ sớm nên khi mới 2 - 3 tuổi gia đình chị Thoa đã cho con làm quen với con chữ. Đến khi 5 tuổi, cô bé này không chỉ viết - đọc thành thạo mà còn làm toán rất nhanh. Con chuẩn bị vào lớp 1, nhận thấy con vượt trội hẳn so với bạn bè, chị Thoa đã tìm đến ngành giáo dục để đề xuất cho con được bỏ qua lớp 1 mà lên thẳng lớp 2. Tuy nhiên, vì chưa có quy định cho học sinh học vượt cấp từ mầm non lên tiểu học nên sau nhiều lần tới lui, con gái chị vẫn tiếp tục học lớp 1.
Bộ GD&ĐT thông qua quy định cho học sinh được học vượt lớp trong cùng cấp. Đối với gia đình chị Thoa, thông tin này như chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa tưởng chừng đã khép lại.
Mong muốn con được Hội đồng nhà trường đánh giá thêm một lần nữa sau năm học này, giờ đây, bên cạnh việc cho con ôn tập lại những kiến thức đã biết, chị Thoa còn cho con làm quen với kiến thức lớp 2.
Hội đồng khảo sát chuẩn theo Thông tư 28 gồm những ai?
Thực tế, quy định cho phép học sinh tiểu học được học vượt lớp không phải là một quy định hoàn toàn mới mà trước đó đã có trong Điều lệ trường Tiểu học ban hành từ năm 2010. Nhưng ở Thông tư này, các quy định được cụ thể và chặt chẽ hơn. Nếu như trước đây, việc quyết định cho học sinh học vượt lớp được giao cho Hiệu trưởng nhà trường quyết định thì ở quy định mới, việc này sẽ do Hội đồng khảo sát, tư vấn xem xét từng trường hợp cụ thể.
Hội đồng này bao gồm Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.
Căn cứ vào kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, Hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định.
Như vậy, có thể thấy, hội đồng khảo sát này không chỉ tập trung vào khảo sát những kiến thức chuyên môn mà còn có các thành viên tham gia đánh giá, tư vấn ở góc độ tâm lý, tương tác xã hội của học sinh đó.
Như vậy, quy định rõ ràng hơn về việc cho trẻ học vượt lớp sẽ tạo điều kiện cho những em có năng lực vượt trội phát huy sở trường. Tuy nhiên, những người làm công tác giáo dục lại cho rằng cần phải cân nhắc thận trọng khi cho trẻ học vượt lớp, thông qua ý kiến của các chuyên gia trong hội đồng tư vấn.
Tiêu chí nào xác định học sinh được học vượt lớp?
Sẽ là lợi bất cập hại nếu cho trẻ tập trung học lệch, chỉ tập trung học kiến thức mà thiếu các kỹ năng xã hội. Do đó, hội đồng phải làm rõ học sinh thế nào là có năng lực vượt trội để được học vượt lớp và không gây ra những hệ quả bất ổn cho trẻ trong tương lai cũng như đảm bảo sự công bằng trong việc ưu tiên cho trẻ được học vượt lớp.
Là phụ huynh quan tâm giáo dục sớm và cũng từng cho con học đi học từ trước khi vào trường tiểu học, nhưng chính chị Hồng Ánh cũng cho rằng, việc xác định trẻ vượt trội cần có nhà chuyên môn đánh giá. Nếu trẻ thực sự vượt trội nhiều mặt thì mới nên cho trẻ học vượt lớp. Nếu chỉ có năng lực riêng biệt 1 môn học nào đó như Toán học hoặc Ngoại ngữ, Vẽ… thì chỉ nên bồi dưỡng, hỗ trợ để trẻ thực sự phát triển được năng lực cá nhân.
Theo các chuyên gia giáo dục, một đứa trẻ có khả năng vượt trội là nhờ khả năng bẩm sinh hoặc do môi trường và các can thiệp, hỗ trợ rất tốt của cha mẹ. Tuy nhiên, cần có đánh giá nghiêm túc của các thành viên hội đồng chuyên môn về khả năng vượt trội của trẻ.
Do đó, các bậc cha mẹ nên bình tĩnh chứ không nên vội vàng khi thấy con nổi trội 1 môn học mà quyết định cho con học vượt lớp.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, một trẻ có khả năng vượt trội là khi trẻ có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc một số môn học nhưng cần phải cân nhắc kỹ nhiều mặt trước khi quyết định cho trẻ học vượt lớp, tránh để trẻ bị học lệch kiến thức mà thiếu và yếu các kỹ năng xã hội quan trọng khác.
Chính vì rất nhiều những điều kiện đi kèm khi quyết định cho một đứa trẻ học vượt lớp nên mặc dù đã có quy định từ cách đây 10 năm nhưng tại các trường tiểu học trong nước vẫn không ghi nhận trường hợp học sinh nào được học vượt cấp.
Tuy nhiên, đã có 1 người mẹ, từ hơn 20 năm trước, âm thầm đi tìm trường cho con học vượt lớp. Và câu chuyện của chị cho thấy, vẫn có thể đào tạo một đứa trẻ học vượt lớp thành công, nếu như có sự hỗ trợ tốt từ phía nhà trường và sự chủ động và am hiểu của phụ huynh.
Thành công đặc biệt từ 3 lần cho con vượt lớp
Nhìn lại những bức ảnh hơn 20 năm trước của con trai mình khi còn là một cậu bé, chị Lê Thị Phương Nga ở Quận 7, TP.HCM vẫn không thể quên được câu chuyện đặc biệt đã xảy ra với cậu con trai 5 tuổi của mình.
Biết con mình đặc biệt nên chị đã chủ động tham gia vào những lớp học tâm lý, mày mò nghiên cứu giáo dục để dần hình dung được những áp lực mà con phải đối diện. Trong 12 năm học phổ thông, con trai chị đã 3 lần học vượt lớp vào các năm lớp 4, lớp 6, lớp 8.
Tìm hiểu câu chuyện học vượt lớp đã diễn ra cách đây hơn 20 năm tại ngôi trường này, đại diện nhà trường cho biết, việc tạo điều kiện cho học sinh học vượt lớp dù giúp các em được học theo đúng năng lực và tốc độ của mình nhưng chính học sinh lại phải đối diện với những khó khăn khác. Thời gian đó, nhà trường đã phải thường xuyên đứng ra tác động để giúp học sinh có được sự cân bằng giữa việc học và tương tác với bạn bè.
Mới 16 tuổi, con trai chị Nga đã bước vào giảng đường đại học. Đây là một ưu điểm lớn của việc học vượt lớp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tạo điều kiện phát triển cân bằng cho những học sinh này rất cần sự hỗ trợ từ cả gia đình lẫn phụ huynh.
Đã có thành công nhất định với việc đào tạo những học sinh vượt trội nhưng hiện nay trường quốc tế ABC đã ngừng hẳn việc nhận học sinh học vượt lớp bởi có rất nhiều khó khăn phải giải quyết. Đối với những học sinh vượt trội, trường tổ chức cho các em học theo từng nhóm nhỏ, có bài tập riêng biệt để các em không cảm thấy nhàm chán trong học tập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!