Được tổ chức trước thềm hội nghị của Bộ GD&ĐT – ASEAN - UNICEF về Chuyển đổi kỹ thuật số của hệ thống giáo dục ở các nước ASEAN, Tọa đàm nhằm mục đích khám phá những cách thức mà phụ huynh có thể tham gia hiệu quả hơn vào quá trình học tập kỹ thuật số của con em họ cũng như cách thức để giáo viên và người chăm sóc trẻ có được những kiến thức cần thiết giúp cho trẻ em học tập trên nền tảng kỹ thuật số.
"Việc chuyển đổi sang hình thức trực tuyến một lần nữa cho thấy sự cấp thiết của việc học tập trên nền tảng kỹ thuật số, nhấn mạnh khoảng cách rõ rệt về kỹ thuật số ở Việt Nam. Việc mở cửa trường học trở lại vào đầu tháng 5 tại Việt Nam cho thấy rõ cần phải nỗ lực gấp đôi trong việc đổi mới tư duy về về giáo dục và chuyển đổi hệ thống nhằm đảm bảo tất cả trẻ em và thanh niên ở Việt Nam đều được tiếp cận với phương pháp học tập kỹ thuật số và chuẩn bị tốt cho một thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ hơn và nền kinh tế dựa trên tri thức", bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam phát biểu.
Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có số người sử dụng Internet tăng nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, giáo dục cần chuyển sang hình thức trực tuyến và điều này đã bộc lộ rõ khoảng cách kỹ thuật số trong khu vực, giữa trẻ em có thể tiếp cận được với các cơ hội học tập trên nền tảng kỹ thuật số và những trẻ không được tiếp cận, hầu hết đều sống ở các vùng sâu vùng xa. Nhiều học sinh thiếu truy cập Internet, không có thiết bị và hiểu biết không đầy đủ về kỹ thuật số, giáo viên phần lớn không quen với công nghệ mới và chưa được đào tạo đầy đủ để sử dụng hiệu quả các công cụ mới này.
Trong bài diễn thuyết của mình, Giáo sư Hoàng Tú Bảo từ Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM), cho rằng đào tạo trực tuyến và kỹ thuật số có thể giúp thu hẹp khoảng cách địa lý và học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa để giải quyết việc thiếu công bằng trong tiếp cận kỹ thuật số.
Diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo.
Bằng chứng cho thấy một thực tế là thanh thiếu niên Việt Nam nhận thức được rằng kiến thức về kỹ thuật số có vai trò quan trọng cho tương lai của mình nhưng không phải tất cả đều cho rằng mình được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực này. Hơn nữa, những thanh thiếu niên khuyết tật, sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và dân tộc thiểu số không có chung nhận thức về giáo dục kỹ thuật số như các bạn cùng trang lứa.
Nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng kỹ thuật số và kỹ năng chuyển đổi cho thanh thiếu niên, UNICEF đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tích hợp kỹ năng kỹ thuật số và kỹ năng chuyển đổi vào chương trình giảng dạy mới, đồng thời nâng cao kiến thức và kỹ năng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thông qua các khóa đào tạo trực tuyến về phương pháp tiếp cận thân thiện với trẻ em trong học tập trực tuyến và quản lý lớp học trực tuyến.
"Tôi có thể nói rằng chúng ta cần phải đổi mới tư duy về giáo dục. Một nền giáo dục hiện đại cần xây dựng và công nhận các kỹ năng cơ bản như đọc, viết và làm toán, cũng như các kỹ năng giải quyết vấn đề, sáng tạo và tư duy phản biện mà thanh thiếu niên cần có cho công việc cũng như để khởi nghiệp và tham gia hiệu quả vào cộng đồng", bà Flowers kết luận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!