Ảnh minh họa.
Cơ bản hoàn thành chương trình học kỳ I đúng tiến độ
Năm học 2021-2022 được triển khai trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi, khoảng 9 triệu học sinh phổ thông theo từng giai đoạn khác nhau phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, tác động sâu sắc đến tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Nhiều địa phương đã tổ chức khai giảng bằng hình thức trực tuyến, qua truyền hình; nhiều học sinh chưa được đến trường, chưa được gặp mặt, làm quen, trao đổi trực tiếp với thầy, cô, bạn học,... mặc dù đang dần trôi qua một học kỳ,... là những hình thức, hoàn cảnh chưa có tiền lệ trong quá khứ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ GDĐT đã chủ động, kịp thời chỉ đạo toàn ngành chuyển trạng thái hoạt động, ứng phó với dịch nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo. Bộ đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục hướng đến mục tiêu củng cố, duy trì chất lượng giáo dục
Các địa phương đã linh hoạt, chủ động, sáng tạo, ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan quản lý, đơn vị trực thuộc, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học trên môi trường Internet qua cổng thông tin điện tử của nhà trường; kế hoạch dạy học trên môi trường Internet bám sát theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục của các khối lớp năm học 2021-2022 phù hợp với sức khoẻ, tâm sinh lý của học sinh.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Tính đến nay, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã tổ chức linh hoạt việc dạy học, trong đó: 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp; 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp. Về tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, cơ bản các địa phương đã hoàn thành chương trình học kỳ I và triển khai thực hiện chương trình học kỳ II theo đúng kế hoạch, thời gian năm học.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong học kỳ I năm học 2021-2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động dạy học, giai đoạn đầu năm học, nhiều học sinh phải học trực tuyến để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, nhiều địa phương đã đón học sinh trở lại trường học tập nhưng chưa được tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của dịch, Bộ GDĐT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hướng dẫn địa phương tổ chức dạy học linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế với phương châm "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học"…, nhưng chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có sự chênh lệch so với vùng có điều kiện thuận lợi,… nên tác động không nhỏ đến việc duy trì chất lượng giáo dục.
Trường học chỉ là trường học khi có học sinh, giáo viên
Trao đổi tại Hội nghị, đại diện Sở GDĐT các địa phương đều chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai học kỳ I năm học 2021-2022 và nỗ lực của từng địa phương, cơ sở giáo dục nhằm hoàn thành tiến độ năm học và đảm bảo mục tiêu chất lượng giáo dục.
Khó khăn được các địa phương nêu ra nhiều nhất ở thời điểm hiện tại là việc đảm bảo an toàn khi đón học sinh đi học trở lại. Trong đó, hầu hết địa phương đề xuất Bộ GDĐT kiến nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn về việc thống kê, cách ly học sinh F0, F1 thống nhất để không ảnh hưởng trên diện rộng; hướng dẫn về tổ chức dạy học bán trú để các địa phương thực hiện đảm bảo an toàn, phù hợp… Về vấn đề này, đại diện Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GDĐT), cho hay, ngay trong những ngày tới, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu kết luận Hội nghị
Một số nội dung khác như: Tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh; hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; lựa chọn sách giáo khoa, tập huấn giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; chương trình "sóng và máy tính cho em"; kế hoạch thời gian năm học; định mức giáo viên; nhân viên y tế trường học… cũng được các địa phương nêu ra tại cuộc họp và được đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ giải đáp.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá, việc triển khai nhiệm vụ học kỳ I năm học 2021-2022 đã được các địa phương, nhà trường thực hiện linh hoạt, quyết liệt, sáng tạo, thích ứng; dù dịch bệnh nhưng đã rất cố gắng, nỗ lực để hoàn thành mục tiêu và đảm bảo chất lượng. Nhân đây, Thứ trưởng gửi lời cảm ơn tới các địa phương vì sự nỗ lực rất lớn này.
Để triển khai học kỳ II tốt hơn nữa, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung vào một số nội dung cụ thể. Mục tiêu số 1 và trước hết là đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường học trực tiếp. Cho rằng, trường học chỉ là trường học khi có học sinh, giáo viên, Thứ trưởng yêu cầu đơn vị chuyên môn sớm hoàn thiện, bổ sung sổ tay an toàn phòng chống dịch với đầy đủ các hướng dẫn cụ thể, dễ thực hiện. "Cố gắng vận động học sinh ra lớp. Cố gắng chỉ có lớp học trực tuyến chứ không có trường học trực tuyến. Không chủ quan với dịch bệnh nhưng cũng không hoang mang, lo sợ", Thứ trưởng nói.
Đối với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Thứ trưởng lưu ý, các địa phương phải rất chú trọng tới chất lượng. Trong đó, việc chủ động phân phối chương trình và xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể phải được các nhà trường, giáo viên chú trọng, bởi sự khác biệt của chương trình mới chính là tạo sự phân cấp đến từng nhà trường để thầy cô được quyền chủ động. Ghi nhận sự đổi mới trong công tác kiểm tra, đánh giá được các nhà trường triển khai trong thời gian qua, Thứ trưởng đề nghị cần phát huy để làm tốt hơn trong học kỳ II.
Bên cạnh các nhiệm vụ còn lại của năm học 2021-2022, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đặc biệt yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị cho năm học 2022-2023 ngay từ bây giờ để không bất ngờ với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 3, lớp 7, lớp 10. Trong đó, cần có phương án về bố trí giáo viên cho môn Tin học, Ngoại ngữ ở lớp 3 - khi 2 môn này trở thành bắt buộc; có phương án tổ chức dạy học các môn tự chọn ở lớp 10 một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và công bố cho thí sinh trước khi tuyển sinh.
Nhấn mạnh đến nội dung bồi dưỡng, đào tạo và tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, Thứ trưởng lưu ý các địa phương cần tập trung bồi dưỡng đại trà để không xảy ra trường hợp giáo viên đứng lớp mà chưa được bồi dưỡng. Đồng thời, quan tâm tới việc đào tạo để giáo viên có điều kiện được nâng chuẩn. Thầy cô cũng rất cần một môi trường làm việc năng động, sáng tạo, thân thiện, tạo được động lực để có thể làm việc hiệu quả nhất.
Về cơ sở vật chất, Thứ trưởng đề nghị địa phương dựa trên văn bản quy định của Bộ GDĐT để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp; không để thiết bị về trường nhưng không ra lớp. Tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục. Thực hiện phân bổ ngân sách cho giáo dục đúng theo Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường đổi mới quản lý theo công việc, tạo môi trường làm việc kỉ cương, trách nhiệm, sáng tạo, cũng là những nội dung được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý với các địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!