Cô và trò huyện Mê Linh trong một tiết học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Báo Hà Nội mới
1. Đánh giá kết quả 10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29
Năm 2023 đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho đổi mới giáo dục và đào tạo còn hạn hẹp, song, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương, đặc biệt là với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Qua đó, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đánh giá đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế và đề xuất các định hướng phát triển giáo dục - đào tạo trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội
Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 6 Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo của 6 vùng kinh tế - xã hội (Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long) nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng, qua đó, góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.
Cùng với 6 hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành 6 Kế hoạch hành động để xác định các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của 6 vùng kinh tế - xã hội.
3. Đánh giá giữa kỳ quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Năm 2023, đánh dấu một nửa chặng đường triển khai dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì xây dựng báo cáo đánh giá giữa kỳ việc triển khai chương trình nhằm nhìn lại kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong những năm tiếp theo.
"Phát huy thành quả đạt được và kiên trì với mục tiêu đổi mới" sẽ là từ khóa quan trọng trong nửa chặng đường tiếp triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, 4 nhóm giải pháp đã được chỉ rõ trong báo cáo đánh giá giữa kỳ gồm: Tiếp tục phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sách giáo khoa, bảo đảm đủ sách giáo khoa; tập trung thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên cho giáo dục theo quy định.
4. Phê duyệt sách giáo khoa mới đảm bảo chất lượng, thẩm định đúng kế hoạch
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phê duyệt sách giáo khoa các môn học đảm bảo chất lượng và theo đúng kế hoạch. Tính đến cuối năm 2023, nhiệm vụ này đã được Bộ hoàn thành.
Đến nay, sách giáo khoa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung, chất lượng sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
5. Xác định phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025
Ngày 28/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt "Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025".
Theo đó, thí sinh thi bắt buộc 2 môn Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Cùng với phương án thi, Bộ cũng đã công bố cấu trúc định dạng đề thi làm căn cứ để các nhà trường, giáo viên, học sinh tham khảo cho quá trình dạy và học.
6. Đổi mới chính sách, bổ sung biên chế, quan tâm, chăm lo đời sống giáo viên
Tiếp nối những nỗ lực nhằm phát triển và chăm lo cho đội ngũ nhà giáo đã được thực hiện trước đó, năm 2023 tiếp tục cho thấy nhiều dấu ấn trong công tác này. Cụ thể, việc bỏ thi thăng hạng viên chức đã giúp xóa bỏ những tồn tại từ thực tiễn và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo giáo viên.
Bộ đã ban hành Thông tư số 08/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trước đó quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; khắc phục những hạn chế và tạo thuận lợi, động lực cho đội ngũ giáo viên.
Năm 2024, các địa phương sẽ tiếp tục được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các trường mầm non, phổ thông.
Đặc biệt, ngày 7/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP; trong đó giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo, tạo điều kiện để kiến tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo, nâng cao vị thế của nhà giáo và ngành giáo dục.
7. Gặp gỡ trên một triệu giáo viên cả nước
Ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến với trên một triệu giáo viên cả nước. Đây là lần đầu tiên, hoạt động này được tổ chức. Trước khi diễn ra, thông qua kênh của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có hơn 6.300 câu hỏi được gửi tới Bộ trưởng, cho thấy sự quan tâm, mong mỏi của giáo viên được trò chuyện, được lắng nghe giải đáp trực tiếp từ người đứng đầu ngành về những vấn đề thiết thân với đội ngũ.
8. Tích cực, chủ động chuyển đổi số
Năm 2023, ngành giáo dục lần đầu tiên đưa vào khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), trong đó có công tác tuyển sinh thực hiện trực tuyến. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm của trên 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp năm 2022 và gần 7.400 sinh viên tốt nghiệp năm 2023.
Trước đó, các có sở dữ liệu về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đã được rà soát thu thập đầy đủ, làm sạch dữ liệu, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, công chức, viên chức phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, Bộ đã thực hiện xác thực và định danh được gần 24,21/25 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh; đồng bộ, làm giàu cho dữ liệu dân cư.
9. Phát động phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời
Ngày 10/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phát động Phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030". Lễ phát động với mục đích tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Đề án "Xây dựng xã hội học tập" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năm 2005 theo các thời kỳ, giai đoạn 2005-2010, 2012-2020 và 2021-2030. Việc triển khai các Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế cho thấy còn những hạn chế, rào cản xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
10. Duy trì top 10 quốc gia đạt kết quả các kỳ thi Olympic quốc tế cao nhất
Năm 2023 tiếp tục đánh dấu một năm thành công của giáo dục mũi nhọn khi các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực đạt thành tích cao. Theo đó, có 7 đoàn học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 36 lượt học sinh tham gia đều đoạt giải với 8 Huy chương vàng, 12 Huy chương bạc, 12 Huy chương đồng và 4 Bằng khen. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi năm 2023 tiếp tục giữ thành tích trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất, nhiều học sinh đạt số điểm cao nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!