Theo Nghị định 148/2013/NĐ-CP, những tổ chức đào tạo nghề chưa đăng ký hoạt động dạy nghề sẽ bị phạt tiền với các mức phạt căn cứ theo cấp trình độ đào tạo, tối đa đến 60 triệu đồng đối với trình độ sơ cấp nghề, đến 80 triệu đồng đối với trình độ trung cấp nghề và phạt đến 100 triệu đồng đối với trình độ cao đẳng nghề.
Theo đó, cơ sở dạy nghề bố trí số lượng học sinh, sinh viên trong một lớp học vượt quá quy định từ dưới 15% sẽ bị xử phạt từ 1-3 triệu đồng, nếu vượt quá quy định từ 30% trở lên sẽ bị xử phạt đến 10 triệu đồng. Đồng thời, các vi phạm này đều sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc bố trí số lượng học sinh, sinh viên trong một lớp học theo đúng quy định.
Đối với quy định về hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, trường hợp cá nhân cho người khác sử dụng thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia có thể bị xử phạt tối đa đến 15 triệu đồng. Và hành vi sử dụng giấy chứng nhận trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia giả mạo sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng.
Nghị định cũng có thêm quy định về thẩm quyền lập biên bản của thành viên đoàn thanh tra, việc này nhằm đảm bảo điều kiện thực thi công vụ của các thành viên đoàn thanh tra, trong trường hợp cần thiết có thể lập biên bản ngay, làm căn cứ để Trưởng đoàn thanh tra hoặc người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt.
Đối với biện pháp khắc phục hậu quả, Nghị định đã bổ sung một số biện pháp mang tính đặc thù của lĩnh vực dạy nghề điển hình như: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định thành lập, cho phép thành lập đối với hành vi tẩy, xóa, sửa chữa, làm thay đổi quyết định, hành vi gian lận, giả mạo giấy tờ, tài liệu để được thành lập, cho phép thành lập cơ sở dạy nghề.
Đồng thời, buộc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt đồng dạy nghề; buộc thực hiện đúng việc xây dựng tiến độ đào tạo, kế hoạch đào tạo, xây dựng lại chương trình dạy nghề; buộc thông báo công khai việc dừng tuyển sinh; tiêu hủy phôi đã in đối với hành vi in phôi văn bằng, chứng chỉ nghề không đúng mẫu quy định…