PGS.TS Trần Văn Nghĩa trả lời thắc mắc về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014.
Thưa PGS.TS Trần Văn Nghĩa, ông có thể cho biết vài nét về phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay?
PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 thí sinh sẽ thi 4 môn. Trong đó, có 2 môn bắt buộc: Toán và Ngữ văn. Thí sinh được tự chọn 2 môn trong số các môn sau: Hóa học, Vật lý, Ngoại ngữ, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Việc tính điểm tốt nghiệp dựa trên việc xét kết quả học tập lớp 12 và điểm thi tốt nghiệp theo tỉ lệ 50:50.
Về thời gian thi và cách xếp loại tốt nghiệp, Bộ đang ban hành dự thảo để lấy ý kiến đóng góp và đưa ra quyết định cuối cùng.
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là tới kỳ thi tốt nghiệp THPT, với phương án thi mới công bố liệu có gây khó khăn gì cho các em học sinh cũng như các trường tổ chức kỳ thi không?
PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Hàng năm khoảng cuối tháng 3 mới có thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng năm nay cuối tháng 2 Bộ GD-ĐT đã công bố các môn thi, điều này tạo thuận lợi cho các em cũng như các trường chủ động trong việc ôn tập.
Do kết quả tốt nghiệp sẽ xét dựa trên kết quả học tập cuối năm và 4 môn thi tốt nghiệp, nên các trường cần lưu ý: Đổi mới ra đề, cụ thể là môn Văn phải là đề mở, các em cần nắm bắt các kiến thức chính trị, xã hội mới làm được bài. Môn trắc nghiệm các trường cũng cần đổi mới để các em khi làm bài không thể đoán mò. Các em học sinh hãy học đều các môn để không ảnh hưởng đến kết quả tốt nghiệp.
Thưa PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Tiếng Anh ngày càng đóng vai trò quan trọng nhưng tại sao không được chọn làm môn thi bắt buộc?
PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Việc dạy tiếng Anh giữa các vùng miền không đồng đều, ở thành thị học sinh được đào tạo nhiều và có lợi thế hơn so với các em ở nông thôn. Chính sự chênh lệch này nên tiếng Anh không được chọn làm môn thi bắt buộc.
Năm 2014, một trong những điểm mới của mùa tuyển sinh là việc Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Để thực hiện tự chủ cho tuyển sinh, các trường phải làm đề án đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ của Bộ. Theo quy định, những đề án đảm bảo yêu cầu sẽ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến.
Đến ngày 10/2 đã có hơn 50 dự án đưa lên mạng và xin ý kiến để triển khai trong năm nay.