Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:
Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Nghị định 114/2006/NĐ-CP quy định về việc xử phạt với hành vi sinh con thứ 3 của từng đối tượng. Theo đó, Đảng viên sinh con thứ 3 trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng; Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước sinh con thứ 3 trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ; Thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ 3 trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức…
Tuy nhiên, từ 31-12-2013, khi Nghị định 114 hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định số 176/2013/NĐ-CP thì quy định này bị bãi bỏ. Bên cạnh đó, tại Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định các trường hợp viên chức bị xử lý kỷ luật không đề cập đến việc cấm giáo viên sinh con thứ 3.
Như vậy, pháp luật hiện hành không cấm giáo viên sinh con thứ 3 nhưng nếu nội quy, quy chế, hợp đồng làm việc có điều khoản xử phạt khi sinh con thứ 3 thì các đối tượng liên quan phải chấp hành.
Hơn nữa, nếu giáo viên là Đảng viên khi sinh con thứ ba sẽ bị xử lý theo quy định của Đảng. Theo Quy định số 102-QĐ/TW năm 2017 về xử phạt hành vi vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, người sinh con thứ 3 hoặc vi phạm gây ra hậu quả ít nghiêm trọng bị khiển trách; Sinh con thứ 3 đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc sinh con thứ 4 hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng thì bị cảnh cáo hoặc cách chức…
Không phải trường hợp nào sinh con thứ 3 cũng bị xử lý kỷ luật (Ảnh minh họa)
Mặc dù vậy, không phải trường hợp nào sinh con thứ 3 cũng sẽ bị xử lý kỷ luật Đảng, có những trường hợp ngoại lệ gồm: Sinh lần đầu mà sinh 3 con trở lên; Đã có một con đẻ, sinh lần hai sinh đôi trở lên; Sinh lần thứ 3 trở lên nhưng tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi; Sinh con thứ 3 do mang thai ngoài ý muốn…