Học nghề - Định hướng mới trong mùa thi

​Quốc Anh - Gia Hiếu (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 27/06/2016 06:00 GMT+7

VTV.vn - Trước thực trạng thừa cử nhân và thạc sĩ hiện nay, học nghề đang là một trong những hướng đi được nhiều người lựa chọn.

Phụ trách thiết kế và quản lý sản phẩm cho một công ty phần mềm uy tín với thu nhập cao, nhưng chị Tô Thị Liên chưa từng học đại học. Theo chị, với ngành này, để đi làm thì một chứng chỉ nghề 2 năm là đủ về mặt bằng cấp.

"Điều quan trọng nhà tuyển dụng yêu cầu ở mình là những gì mình đã làm được chứ không phải những bằng cấp mà mình có. Đặc thù của ngành đồ họa là những sản phẩm bạn đã thiết kế và những kinh nghiệm bạn đã trải qua mới là quan trọng nhất để nhà tuyển dụng đánh giá và lựa chọn" - chị Tô Thị Liên, Quản lý Sản phẩm, Công ty Peacesoft chia sẻ.

Sau khi học THPT, chị Liên đã học 2 năm nghề thiết kế đồ họa tại cơ sở đào tạo FPT Arena. Những cơ sở như thế này ngày càng nhiều phụ huynh cho con nhập học ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3.

Ngay cả những địa phương vốn được coi là đất học như Nghệ An, năm nay, tỉ lệ thí sinh chủ động không xét tuyển vào cao đẳng đại học, cũng tiếp tục tăng, chiếm hơn 38%, cao hơn nhiều so với bình quân chung. Với thực trạng hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp trên cả nước, tiến sỹ Phạm Tất Thắng đánh giá, đây là một tín hiệu tích cực.

Ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Nền kinh tế nào cũng đòi hỏi lao động ở các trình độ khác nhau. Nếu chúng ta cứ đổ xô đi học đại học, đương nhiên khả năng hấp thụ của nền kinh tế không đáp ứng được bởi vì rõ ràng lao động trình độ cao phải ít hơn số lao động đại trà".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước