Một tiết học Lịch sử của học sinh lớp 11 thuộc Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai, các học sinh được tham gia thảo luận sôi nổi và bày tỏ ý kiến của riêng mình thay vì lối học theo kiểu tiếp thu thụ động.
Em Rơ Châm Thu, Lớp 11 D, Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai cho biết: “Chúng em học bằng cách vẽ sơ đồ, cô không yêu cầu nắm thời gian chi tiết mà chỉ nắm được bản chất sự kiện nên bọn em học cũng dễ nhớ”.
Theo cô giáo Bạch Thị Ngọc Loan, với hơn 10 năm đứng lớp, cô cùng với nhà trường luôn tìm cách thay đổi phương pháp giảng dạy để học sinh người dân tộc thiểu số không nhàm chán khi học Sử. Và hơn hết tạo cho các em một không khí học tập đầy hứng khởi để các em yêu thích môn học này hơn.
Không chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy, nhà trường còn hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự kiểm tra và chuẩn bị bài ở nhà trước khi đến lớp. Do đó, thay vì sợ môn thi “khó nuốt” này, có đến 1/3 số học sinh lớp 12 của Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai đã tự tin chọn môn Sử để thi tốt nghiệp.
Sợ học Lịch sử, nhiều học sinh đã đối phó với việc thi cử bằng cách học vẹt. Và hậu quả là rất nhiều học sinh bị điểm thấp môn này vì không nắm vững kiến thức. Thay vì nhồi nhét một lượng kiến thức lớn, việc thay đổi phương pháp giảng dạy, hướng cho học sinh học theo lối tư duy đang là cách làm hiệu quả mà Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai đã và đang áp dụng.