Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, sau khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, điểm tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành việc cập nhật thông tin về điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Sau đó, quy trình xét tuyển đợt 1 sẽ được thực hiện từ ngày 2/10 đến 17h ngày 4/10. Các trường Đại học và Cao đẳng đào tạo mầm non sẽ lần lượt công bố điểm chuẩn trong khoảng thời gian trên. Thí sinh sẽ biết mình trúng tuyển hay không sau khi có điểm chuẩn.
Các trường Đại học sẽ công bố cụ thể danh sách thí sinh trúng tuyển trước 17h ngày 5/10. Lúc này, nếu trúng tuyển, thí sinh cần xác nhận nhập học trong khoảng thời gian quy định, nếu quá thời gian này coi như từ chối nhập học.
Từ ngày 15/10, các trường Đại học nào thiếu chỉ tiêu sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung.
Trước đó, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã công bố điểm sàn xét tuyển năm 2020. Theo đó, đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đối với tất cả các ngành, chương trình đào tạo là 22 điểm.
Đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 và điểm Bài kiểm tra tư duy của Trường (theo tổ hợp A19 và A20), mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đối với tất cả các ngành, chương trình đào tạo là 19,0.
Trong khi đó, Điểm sàn xét tuyển vào 18 trường quân đội năm 2020 dao động từ 15-25,5 điểm.
Học viện An ninh và Học viện Cảnh sát nhân dân đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2020 với điểm số dao động từ 17,75 đến 22, tùy từng nhóm ngành.
Năm nay, trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dao động từ 18,5 đến 20 điểm.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT)
Trường Đại học Ngoại thương có nhiều phương thức xét tuyển trong đó phương thức dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo các tổ hợp môn là 23 điểm đối với tất cả các chương trình giảng dạy tại Trụ sở chính Hà Nội, Cơ sở 2 – TP.HCM. Trường xét 18 điểm đối với các chương trình giảng dạy tại Cơ sở Quảng Ninh.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, nhiều học sinh khi đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng, thường lựa chọn những ngành được cho là "hot" vì cho rằng đầu ra sẽ dễ dàng hơn. Đây là nguyện vọng cá nhân của các em và gia đình. Tuy nhiên, việc thí sinh ồ ạt đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng vào những ngành đó vô hình trung khiến điểm chuẩn đại học những ngành này đã cao lại càng cao hơn.
"Tôi cho rằng cơ hội việc làm thực chất phụ thuộc vào năng lực và nhất là sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Bởi, dù có học ngành được coi là "hot", kết quả học tập không tốt, người học không có thái độ cầu tiến và thiếu đi ý chí, cũng như khả năng không ngừng học hỏi, thì thị trường lao động cũng sẽ không chấp nhận", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!