Khoảng 30.000 học sinh ở Hà Nội không thể vào lớp 10 công lập
Áp lực và căng thẳng là tâm trạng chung của hầu hết học sinh cũng như các bậc phụ huynh khi các con chuyển cấp, nhất là với những học sinh vào lớp 10.
Những ngày qua, tình trạng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm tại một số trường ở Hà Nội để nộp hồ sơ xét tuyển cho con vào lớp 10 lại tiếp tục tái diễn. Thấu cảm trước thực trạng này, nhiều ý kiến còn nhận định: "Thi vào lớp 10 còn khó hơn thì vào Đại học".
Không khí căng thẳng khi phụ huynh xếp hạng để giành suất vào lớp 10 cho con. (Ảnh: Hoài Thương)
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có chỉ đạo yêu cầu rà soát báo cáo đầy đủ, chính xác về công tác tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập năm nay của Hà Nội. Đây cũng là chủ đề đã làm nóng nghị trường phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây 3 ngày, cho thấy sự căng thẳng mà thực tế các gia đình có con vào lớp 10 đã trải qua.
Hà Nội là địa phương có số học sinh đông nhất cả nước, chiếm tới 1/10 tổng số học sinh cả nước. Năm nay, riêng số học sinh đăng ký vào lớp 10 công lập là gần 105 nghìn em, trong đó, có hơn 78.000 em được nhận vào học công lập (chiếm gần 61%). Ở khu vực nội đô, để có cơ hội dành suất vào học cấp 3 công lập, các em và gia đình đã phải có một lộ trình chuẩn bị ôn tập, rèn luyện từ rất sớm.
Một học sinh lớp 9 vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 trong những ngày ôn thi, em chỉ ngủ tối đa 5 tiếng. Các nhu cầu về phát triển kỹ năng hay rèn luyện sức khỏe đều bị xếp sau. Năm nay, vẫn có khoảng 30.000 học sinh ở Hà Nội không thể vào công lập.
Nam học sinh chỉ ngủ tối đa 5 tiếng khi ôn thi vào lớp 10
Không thể để tiếp diễn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp
Phụ huynh thì đều mang tâm lý muốn gửi gắm con em mình vào một môi trường học tập tốt nhất. Và đây là mong muốn hoàn toàn chính đáng. Trong khi tại khu vực nội đô, số lượng trường, lớp được xây mới thì rất khiêm tốn, còn số lượng học sinh thì đông và tăng dần qua các năm. Điều này đã dẫn đến mức độ cạnh tranh rất cao để vào được trường cấp 3 công lập, thậm chí, nhiều phụ huynh còn gọi công cuộc thi cử vào lớp 10 là sự "cạnh tranh khốc liệt".
Dự báo, số học sinh vào THPT của Hà Nội sẽ tăng mạnh trong 3 năm tới khi sẽ có thêm 29.000 em vào năm 2026. Theo dự báo của Sở GD & ĐT Hà Nội, so với năm nay, năm sau, số học sinh lớp 9 tăng hơn 5.000 em. Năm học 2026-2027 tăng khoảng hơn 22.000 học sinh. Tổng cộng chỉ sau 3 năm nữa, sẽ tăng gần 29.000 học sinh lớp 9. Nếu tất cả hơn 151.000 học sinh đều thi vào lớp 10 công lập, áp lực sẽ còn lớn hơn bây giờ.
Tuy nhiên áp lực tuyển sinh vào lớp 10 công lập hiện nay chỉ đặc biệt căng thẳng ở khu vực nội đô của các thành phố lớn. Nhưng rõ ràng, không thể tiếp diễn tình trạng quá tải tuyển sinh vào lớp 10 công lập như những gì đang diễn ra.
Số trường THPT công lập ở khu vực nội thành Hà Nội đang thiếu. Không tính trường chuyên, năm nay, quận Cầu Giấy có 5.660 thí sinh, nhưng chỉ có 2 trường THPT công lập, lấy 1440 chỉ tiêu. Quận Hà Đông, Hoàng Mai, Ba Đình đều có từ 4.000 – 5.000 thí sinh nhưng chỉ có 3 trường THPT công lập.
Hiện Hà Nội đang tiến hành việc di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường Trung cấp, cao đẳng, Đại học ra khỏi khu vực nội đô. Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội kiến nghị phải ưu tiên quỹ đất này để xây trường học công lập.
Từ kinh nghiệm của các nước, Việt Nam không phổ cập bậc THPT, mà chủ trương phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực. Các em có thể học tiếp Trung học phổ thông hoặc Sơ cấp GDNN, Trung cấp GDNN, hệ giáo dục thường xuyên.
Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ đều có những trường tuyển sinh với mức điểm rất thấp. Trung bình từ 2-3,5 điểm là đã đỗ.
Cũng ở Hà Nội, khu vực ngoại thành có tới 9 trường mà số thí sinh đăng ký vào thấp hơn cả chỉ tiêu của nhà trường. Có nghĩa là chỉ cần không bị điểm liệt là đã đỗ.
Dù rằng, có nhiều con đường, nhiều lựa chọn để mở ra cánh cửa tương lai cho các em học sinh. Nhưng việc nhiều em cũng như các bậc phụ huynh luôn mong muốn cho con em mình được học trong một ngôi trường tốt, với thầy cô tốt là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng.
Do vậy, không thể để tiếp diễn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp như ở một số khu vực nội đô các thành phố lớn hiện nay. Đây cũng không chỉ là vấn đề thuộc trách nhiệm của riêng ngành giáo dục. Mà còn là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Cần phải có chủ trương và cơ chế để tháo gỡ những bất cập, trước hết là về địa điểm học tập và hiện thực hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta: Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Sự kiện và bình luận là bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội và ông Phạm Xuân Tiến, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!