Giáo viên xử phạt học sinh lớp 1 bằng cách chụp ảnh nêu tên vì đi học sớm, thậm chí không chỉ 1 mà tới 7 học sinh bị phê bình, rồi gửi cho phụ huynh. Theo chuyên gia giáo dục, đó là hình thức xử phạt cứng nhắc và thiếu sự linh hoạt của giáo viên.
"Không được công chúng hóa lỗi của học trò, công bố trước lớp, trước nhà trường lỗi học trò, nó sẽ tổn thương giá trị tinh thần của học sinh, nguy hiểm lắm" - TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường Liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu giấy, Hà Nội cho hay.
Trước đó, vụ việc một học sinh lớp 1 do đi học sớm phải đứng ngoài cổng trường giữa trời nắng đã gây bức xúc dư luận. Ảnh: Dân trí.
Vài năm trước, nhiều người đã từng đau lòng trước những câu chuyện xử phạt học sinh như cô giáo cho học sinh tát bạn đến mức phải nhập viện hay thậm chí giáo viên cho học sinh uống nước giẻ lau bảng.
Trên thực tế, việc phạt học sinh như thế nào cho phù hợp để vừa đủ sức răn đe, học sinh hiểu sai phạm do mình gây ra từ đó không tái phạm lại rất cần giáo viên xử lý một cách tinh tế.
30 năm nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, TS. Nguyễn Kim Dung Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (thuộc Trường ĐH Sư phạm TP HCM) trả lời phóng viên VTV vào sau vụ nam sinh phải xin lỗi trước toàn trường vì xúc phạm một nhóm nhạc Hàn Quốc cho biết, khi bước vào tuổi 13, 14, tâm sinh lý thay đổi, các em luôn muốn thể hiện bản thân. Để xử lý một lỗi vi phạm của học sinh, giáo viên và nhà trường trước hết phải đưa ra cách thức phù hợp vì ở tuổi này các em rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý. Việc xử phạt là để học sinh biết sai, có ý thức sửa chữa và có cơ hội để sửa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu vội vã, việc xử phạt dễ bị tác dụng ngược và người chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất lại chính là các em.
Nhìn lại những vụ xử phạt học sinh khiến dư luận xôn xao
Tháng 11/2019, một học sinh lớp 8 ở TP.HCM phải xin lỗi trước toàn trường vì đã xúc phạm một nhóm nhạc trên mạng xã hội. Đọc bản kiểm điểm trước toàn trường, được nhà trường ghi lại và đưa lên mạng xã hội Facebook, đình chỉ học tập trong 4 ngày, hạ bậc hạnh kiểm loại yếu hoặc trung bình trong học kỳ 1 là hình phạt mà học sinh này phải nhận.
Tại trường THCS Mỹ Phong (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), vào tháng 5/2019, một học sinh lớp 6 do vào lớp không thuộc bài môn Anh Văn đã bị cô giáo Đinh Duyên Hồng Yến phạt đứng lên, ngồi xuống 200 lần. Học sinh này thực hiện trên 100 lượt thì ngã quỵ. Sau đó, em này phải nhập viện điều trị với chẩn đoán "Chấn thương phần mềm đùi trái".
Tháng 12/2018, cũng có một vụ xử phạt học sinh gây phẫn nộ. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A5 trường tiểu học Quang Trung (Đống Đa - Hà Nội) đã yêu cầu các bạn trong lớp tát một học sinh khác 50 cái vì học sinh này đã nói chuyện trong lúc cô giáo giảng bài. Sau khi tát 20 cái, học sinh bị phạt đã khóc lớn nên cô giáo đã yêu cầu dừng tát. Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung sau đó đã gửi lời xin lỗi tới học sinh và phụ huynh.
Bà Lê Anh Vân - Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung, Hà Nội gửi lời xin lỗi tới học sinh và phụ huynh sau vụ việc cô giáo bị tố phạt học sinh 50 cái tát. (Ảnh: Dân trí)
Trước đó, tháng 11/2018, tại trường THCS xã Duy Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), một giáo viên lớp 6 đã phạt học sinh bằng cách bắt các bạn cùng lớp tát học sinh này liên tiếp 231 cái vì lý do nói tục ngoài sân trường, khiến học sinh phải nhập viện. Nguyên nhân gây nên sự việc này cũng bởi một phần do giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy chịu áp lực cao về thành tích thi đua của lớp.
Trường THCS Duy Ninh, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: VOV
Theo quy định của trường này, dưới sự giám sát của đội cờ đỏ, mỗi em học sinh nói tục chửi bậy, thì tập thể lớp đó sẽ bị trừ 5 điểm trong tổng số thang điểm là 100. Và lớp 6/2 mà cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy phụ trách thường xuyên rơi vào top những lớp có điểm số thi đua thấp nhất.
Ngày 5/1/2019, Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Phương Thủy về tội hành hạ người khác quy định tại khoản 2 điều 140 BLHS; đồng thời cấm đi khỏi nơi cư trú kể từ ngày 28/12/2018 - 26/1/2019; giao cho chính quyền xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) quản lý, theo dõi.
Một vụ việc gây phẫn nộ khác là vào tháng 4/2018, một cô giáo dạy lớp 3 tại trường Tiểu học An Đồng (TP Hải Phòng) phạt học sinh theo cách súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng vì lý do nói chuyện riêng trong lớp. Chiều 5/4, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Đồng cho biết nhà trường đã quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với cô giáo này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!