Học sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng. Ảnh: Dân trí.
Theo quy định mới tại Nghị định 116/2020 chi phí hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng của sinh viên sẽ được các tỉnh thành chi trả dựa trên nhu cầu về giáo viên trong tương lai mà địa phương cần. Nhiều sinh viên lo lắng, những hỗ trợ này cùng với những chính sách ưu đãi cho sinh viên ngành sư phạm sẽ thu hút đông học sinh đăng ký học ngành sư phạm và như vậy sẽ càng khó tìm việc làm hơn.
"Ở những trường sư phạm có chuẩn đầu vào thấp, chất lượng đào tạo chưa cao, sinh viên ra trường sẽ khó tìm việc làm hơn" - sinh viên Trần Minh Điền - Trường Đại học Sư phạm TP.HCM - chia sẻ.
Có khoảng 30% sinh viên sư phạm ra trường chưa tìm được việc làm, chính là thực tế đang tồn tại cho thấy đầu ra của ngành học này chưa thật sự ổn định. Nhưng các trường đại học lại cho rằng, việc hỗ trợ theo chính sách mới sẽ khiến các địa phương có thêm trách nhiệm đảm bảo việc làm cho sinh viên khi ra trường, trách nhiệm bây giờ không chỉ của trường đại học.
"Địa phương phải có trách nhiệm hỗ trợ các em trong việc tìm việc. Và khi đào tạo xong rồi, dựa trên đặt hàng ban đầu, dứt khoát anh phải có trách nhiệm với đầu ra mà anh đã hỗ trợ sinh hoạt phí của sinh viên sư phạm" - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM nói.
Chính sách mới nhiều ưu đãi hơn nhưng cũng đặt người muốn học sư phạm trước nhiều áp lực so với trước. Chọn học sư phạm không thể chỉ vì những chính sách miễn giảm, hỗ trợ mà còn đề cao trách nhiệm đã cam kết nơi người học.
Sinh viên sư phạm có đáng lo phải bồi hoàn tiền hỗ trợ khi không tìm được việc làm?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!