Kỳ thi THPT quốc gia 2015: ĐH Bách khoa Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh

Thúy Hằng-Thứ sáu, ngày 17/04/2015 13:00 GMT+7

VTV.vn- Để có thêm thông tin về phương án tuyển sinh và công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015, PV đã có buổi trao đổi với PGS. TS Nguyễn Phong Điền (ĐHBKHN).

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đang đến gần. Song song với việc ôn tập tích cực của các thí sinh chính là công tác gấp rút chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi “4 trong 1” này của 38 cụm thi trên cả nước. Là trường Đại học trọng điểm quốc gia, Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN) được giao nhiệm vụ là 1 trong 8 trường đại học chủ trì cụm thi tại Hà Nội.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo Đại học của trường ĐHBKHN – đã có những chia sẻ với phóng viên về kỳ thi quan trọng sắp tới.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo Đại học, ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Thu Hà)

Thưa PGS. TS Nguyễn Phong Điền, năm 2015 Bộ GD-ĐT đã đưa ra chủ trương đổi mới tổ chức một kỳ thi vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét vào ĐH-CĐ, vậy phương án tổ chức tuyển sinh 2015 của trường ĐHBKHN sẽ triển khai như thế nào và điều này có những thuận lợi hay khó khăn gì so với những năm trước?

Năm 2015, trường ĐHBKHN sẽ thực hiện việc xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại các cụm thi liên tỉnh trên cả nước do các trường đại học chủ trì. Tổ hợp môn xét tuyển được chọn trên cơ sở các khối thi truyền thống của trường trước đây (A, A1, D1) và bổ sung thêm các tổ hợp ba môn khác (Toán - Hóa - Anh, Toán - Hóa - Sinh). Môn Toán có mặt trong tất cả các tổ hợp môn xét tuyển và là môn thi tự luận. Kết quả thi môn Toán sẽ là thước đo tin cậy về năng lực tư duy logic của thí sinh, vốn rất cần thiết khi theo học các ngành kỹ thuật tại trường. Do đó, Toán được chọn là môn thi chính (hệ số 2) khi xét tuyển vào một số ngành đào tạo.

Các nhóm ngành xét tuyển được điều chỉnh cho phù hợp với phương thức tuyển sinh mới. Theo đó, mỗi nhóm (gồm một hoặc vài ngành đào tạo) có chung một mã xét tuyển, có cùng tổ hợp các môn xét tuyển và cùng điểm chuẩn trúng tuyển. Các ngành/chương trình đào tạo đại học của trường thuộc 21 nhóm ngành (đã được trường công bố đến các thí sinh trên trang thông tin http://ts.hust.edu.vn). Việc phân ngành (đối với các nhóm có 2 ngành trở lên) được thực hiện sau năm học thứ nhất trên cơ sở kết quả học tập và nguyện vọng của sinh viên. Năm nay, theo dự kiến, trường sẽ hoàn thành về cơ bản công tác xét tuyển đại học ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên (20 ngày đầu của tháng 8/2015) và chỉ tiếp tục xét tuyển cho một số ít các nhóm ngành trong đợt 2 theo chỉ tiêu tuyển sinh đã đăng ký.

Theo Quy chế tuyển sinh 2015, thí sinh được phép đăng ký tối đa 4 nguyện vọng ngành theo thứ tự ưu tiên, được quyền đăng ký một số tổ hợp môn xét tuyển quy định cho một nhóm ngành và được quyền thay đổi nguyện vọng ngành hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác trong thời gian xét tuyển. Thông tin về kết quả xét tuyển phải được công bố đều đặn cho thí sinh 3 ngày một lần trên trang thông tin tuyển sinh của trường. Sau khi nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh, trường sẽ tạo lập ngay tài khoản cá nhân cho thí sinh để đăng ký/sửa đổi nguyện vọng ngành của mình một cách dễ dàng. Theo dự kiến, năm 2015, chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy của trường là 6.000 sinh viên, trong đó 400 sinh viên thuộc các chương trình đào tạo quốc tế.

Với số lượng thí sinh dự thi tại cụm thi trường ĐHBKHN, việc chuẩn bị phòng thi cùng các công tác in, sao đề thi có điều gì đáng lo ngại không, thưa thầy?

Theo số liệu dự kiến được Sở GD-ĐT Hà Nội vừa cung cấp, số thí sinh sẽ dự thi tại cụm thi do trường ĐHBKHN chủ trì chỉ vào khoảng 14.000 thí sinh. Con số này thấp hơn nhiều so với dự kiến vào đầu năm 2015. Với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phần mềm quản lý thi THPT quốc gia, năng lực và kinh nghiệm của trường trong công tác in, sao đề thi và tổ chức những kỳ thi có số lượng lớn thí sinh, tôi tin tưởng trường ĐHBKHN sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chủ trì cụm thi này.

Là 1 trong 8 trường đại học được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi THPT quốc gia tại thành phố Hà Nội, hiện trường ĐHBKHN đã bố trí cụm thi phù hợp ra sao để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh?

Hiện nay, trường đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cho kỳ thi, tạo mọi thuận lợi cho thí sinh. Trường đã chủ động liên hệ và hiện đã có đến 4 trường đại học khác sẵn sàng phối hợp và cho phép sử dụng cơ sở vật chất, các phòng học làm các địa điểm thi cho cụm thi này là: ĐH Xây dựng, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội). Khu ký túc xá của trường ĐHBKHN và ĐH Quốc gia Hà Nội đã sẵn sàng hỗ trợ cho mùa tuyển sinh này.

Công tác khảo sát, thống kê các phòng thi đang được Phòng Đào tạo đại học của nhà trường tiến hành. Công tác tổ chức chấm 8 môn thi cũng đang được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo thời hạn cuối nộp dữ liệu kết quả tuyển sinh THPT quốc gia theo quy định vào ngày 20/7/2015.

Cụ thể, trường ĐHBKHN được phân chủ trì cụm thi gồm những thí sinh tỉnh nào trong số những tỉnh sẽ thi ở Hà Nội (Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hòa Bình, Hà Nam)?

Những thí sinh tại quận Hoàng Mai, quận Hoàn Kiếm của TP. Hà Nội, những thí sinh của TP. Nam Định và một số huyện thuộc TP Nam Định sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi do trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì.

Năm nay trường ĐHBK Hà Nội tiếp tục thực hiện vòng sơ tuyển đối với thi sinh muốn đăng ký xét tuyển vào trường. Vậy, việc tổ chức năm nay có gì khác so với năm trước và PGS. TS đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc thực hiện vòng sơ tuyển?

Năm 2014, trường nhận được tổng cộng 10.238 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, bao gồm 9.060 hồ sơ khối A, 878 hồ sơ khối A1 và 300 hồ sơ khối D1. So với năm 2013, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi đại học giảm gần một nửa. Việc tổ chức sơ tuyển không chỉ giảm đáng kể lượng thí sinh "ảo", khiến công tác tổ chức thi gọn nhẹ, tăng hiệu quả, chất lượng mà còn đỡ tốn kém cho cả nhà trường và thí sinh. Kết quả thống kê cho thấy hiệu quả của công tác sơ tuyển trong năm 2014, trường có 6.454 thí sinh đạt tổng điểm 3 môn từ 15 điểm trở lên, chiếm khoảng 95% tổng số thí sinh dự thi; 2.361 thí sinh đạt từ 23 điểm trở lên (chưa tính điểm ưu tiên), chiếm khoảng 40% tổng số thí sinh dự thi; 816 thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên (đủ điều kiện để thi tuyển vào chương trình đào tạo kỹ sư tài năng/chất lượng cao).

Để tập trung nguồn lực cho công tác xét tuyển đại học, năm 2015 trường đơn giản hóa việc sơ tuyển bằng cách áp dụng điều kiện sơ loại: thí sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc 03 môn xét tuyển, tính cho 06 học kỳ THPT từ 20,0 trở lên. Trường sẽ kiểm tra điều kiện này dựa trên học bạ THPT của thí sinh trúng tuyển khi làm thủ tục nhập học. Điều kiện sơ loại không áp dụng cho thí sinh thuộc diện tuyển thẳng và thí sinh thi liên thông từ hệ cao đẳng chính quy của trường lên đại học.

Trong kỳ thi năm nay, thí sinh thi 3 môn bắt buộc Văn, Toán, Anh rất đông, tối đa là 14.000 thí sinh nhưng sẽ giảm khi thi môn tự chọn vì thí sinh có quyền đăng ký 1 hoặc tất cả các môn nhưng đến khi thi thì chỉ chọn 1 trong số những môn mình đã đăng ký để tham gia thi. Vậy nhà trường có những biện pháp gì để khắc phục khó khăn này?

Đầu tháng 5 mới có số liệu đăng ký dự thi chính xác, khi đó việc bố trí phòng thi cho các môn thi mới được tiến hành. Tuy nhiên, Trường ĐHBKHN sẽ đảm bảo cho thí sinh dự thi các môn bắt buộc và các môn tự chọn ở cùng một địa điểm thi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em.

Các bạn học sinh thạm gia Ngày hội Tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp 2015 tổ chức tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Có thể nói, việc cải cách thi cử như năm nay đã góp phần hạn chế rất lớn lượng hồ sơ "ảo" hay đăng ký "ảo". Thầy nhận định như nào về vấn đề này?

Việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ khi đã biết kết quả thi sẽ đảm bảo những thí sinh đạt kết quả cao có lợi thế khi xét tuyển và hạn chế những trường hợp điểm thi cao vẫn trượt đại học. Đồng thời, hiện tưởng "ảo" về hồ sơ đăng ký dự thi bị loại trừ, "ảo" về hồ sơ xét tuyển sẽ được giảm thiểu đáng kể.

Quy chế tuyển sinh 2015 cũng đem lại cho thí sinh một sự lựa chọn rộng hơn trong việc chọn trường, ngành đào tạo và tổ hợp môn xét tuyển như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, nhiều sự lựa chọn cũng tạo ra áp lực, bởi vì cuối cùng mỗi thí sinh chỉ có thể theo học một ngành đào tạo tại một trường.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong tuyển sinh và giáo dục, trước những thay đổi trong kỳ thi lần này, thầy có lời khuyên nào cho các sĩ tử năm nay?

Trước hết, các em cần cố gắng đạt kết quả học tập tốt trong học kỳ cuối THPT để đạt điều kiện sơ loại của trường ĐHBK Hà Nội và một số trường khác, đồng thời tập trung ôn tập kiến thức để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia. Các em nên tìm hiểu kỹ cấu trúc của đề thi năm nay dựa trên các đề thi minh họa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp để có giải pháp ôn tập phù hợp.

Khi đăng ký xét tuyển, các em cần tìm hiểu kỹ các nhóm ngành đào tạo và điểm trúng tuyển của các năm trước để có khả năng trúng tuyển cao vào một ngành đào tạo mong muốn. Đối với trường ĐHBKHN, các em chú ý rằng một số ngành đào tạo không được coi là "hot" của trường hiện nay lại có sức hút lớn đối với thị trường nhân lực chất lượng cao. Các em có thể truy cập trang thông tin tuyển sinh http://ts.hust.edu.vn để được tư vấn kịp thời và cập nhật các thông tin hữu ích về tuyển sinh của trường ĐHBK Hà Nội.

Chân thành cảm ơn PGS. TS đã tham gia buổi phỏng vấn!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước