Tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai có một lớp học đặc biệt, lớp học không tiếng nói. Không chỉ giảng dạy thông thường, cô giáo còn chính là nguồn động lực, truyền cảm hứng cho các em học sinh đặc biệt của mình.
"Tôi tên là Ngô Từ Vy, năm nay tôi 29 tuổi. Trước đây tôi đã từng học may, học trang điểm, nhưng không nơi nào nhận người câm điếc. Hiện tại tôi là giáo viên dạy trẻ câm điếc" - đó là những lời tự giới thiệu bằng ngôn ngữ ký hiệu của cô giáo trẻ Ngô Từ Vy.
Từ một người điếc bẩm sinh, giờ đây, Từ Vy trở thành cô giáo của các bạn học sinh khiếm thính tại thành phố Pleiku.
Để tạo động lực cho các bé ra hòa nhập cộng đồng thì mình sẽ đi tìm 1 người có hoàn cảnh như vậy, đi trước các em và đến truyền tải động lực.
Trung tâm An Yên hiện có khoảng 15 học sinh khiếm thính ở độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Những môn học như Toán, Tiếng Việt, Địa lý, Lịch sử... được cô Vy truyền tải tới học sinh bằng những bài học sinh động thông qua ngôn ngữ ký hiệu.
Vượt qua mọi khó khăn bằng tình yêu nghề và sự đồng cảm với học trò của mình. Giờ đây, lớp học của cô giáo Vy lúc nào cũng tràn đầy không khí hăng say học tập.
Mong muốn của cô giáo Vy là các em cố gắng học lên nữa, để làm giáo viên giống mình, dạy các em nhỏ câm điếc.
Thành phố Pleiku đang trong mùa hoa dã quỳ đẹp nhất trong năm. Những đóa hoa dã quỳ tượng trưng cho tình yêu, sức sống mạnh mẽ, bền bỉ như chính những con người lạc quan và giàu nghị lực nơi cao nguyên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!