Nam Định: Quy định cụ thể các khoản đóng góp để chống lạm thu

Theo TTXVN-Thứ sáu, ngày 29/09/2017 06:21 GMT+7

Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí.

VTV.vn - Để chống lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quy định cụ thể các khoản đóng góp làm cơ sở để các trường thực hiện.

Để chống lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quy định cụ thể các khoản đóng góp làm cơ sở để các trường thực hiện; đồng thời giúp phụ huynh giám sát các khoản thu theo quy định.

Theo đó, đối với các trường tiểu học vì không thu học phí nên mức hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất (sửa chữa các công trình phụ trợ, mua sắm trang thiết bị học tập) ở khu vực thành thị không được vượt quá 300.000 đồng/học sinh/năm; khu vực nông thôn không được vượt quá 180.000 đồng/học sinh/năm.

Các khoản thu hỗ trợ cho bảo vệ trường, vệ sinh nhà trường ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Nam Định không được vượt quá 25.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn không được vượt quá 20.000 đồng/học sinh/tháng. Các trường mầm non, tiểu học có tổ chức ăn, ở cho học sinh bán trú trên tinh thần tự nguyện, thỏa thuận giữa Hội cha mẹ học sinh và nhà trường. Tuy nhiên, các khoản tiền ăn, chất đốt, giáo viên trực buổi trưa, hợp đồng người nấu ăn, phục vụ ở khu vực thành thị cũng không được vượt quá 25.000 đồng/học sinh/ngày; khu vực nông thôn không được vượt quá 20.000 đồng/học sinh/ngày.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài yêu cầu, các trường không được đặt ra các khoản thu khác ngoài quy định. Với các khoản như: tiền mua chăn, gối, đệm, tiền mua dụng cụ nhà bếp ăn bán trú năm đầu tiên vào nhà trẻ, lớp 1 đầu cấp phải được thống nhất với phụ huynh trước khi thực hiện; đồng thời việc huy động, sử dụng các khoản đóng góp phải công khai, minh bạch theo quy định...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định Cao Xuân Hùng cho biết, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục công khai, minh bạch thu, chi, kể cả nguồn xã hội hóa và có sự tham gia giám sát của Hội cha mẹ học sinh để tránh tiêu cực. Cùng với đó, ngành Giáo dục tỉnh cũng quan tâm nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ giáo viên, quản lý cơ sở giáo dục; thành lập các nhóm kiểm tra chéo giữa các trường để giám sát chặt chẽ, khách quan hoạt động thu, chi của các cơ sở giáo dục. Vì đã có hướng dẫn, quy định các khoản thu cụ thể nên nếu phát hiện trường nào vẫn cố tình thu sai thì sẽ bị xử lý nghiêm; đồng thời người đứng đầu cơ sở giáo dục đó cũng phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý...

Nam Định có 860 cơ sở giáo dục với khoảng 400.000 học sinh ở các cấp học. Năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục Nam Định tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm đổi mới từng bước và nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, ưu tiên giáo dục toàn diện, coi trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khỏe và giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh; đồng thời đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, khuyến khích khả năng tự học và phát triển năng lực tư duy, sáng tạo của học sinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước