Thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành nghề và vùng trọng điểm; khan hiếm lao động chất lượng cao và có tay nghề, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Đây là những thách thức mà thị trường lao động đang phải đối mặt sau đại dịch.
Làm thế nào để đảm bảo tính bền vững, linh hoạt của thị trường lao động? Các đơn vị đào tạo lao động đang nỗ lực giải quyết những vấn đề này.
Tại một lớp học bảo dưỡng ô tô, 100% sinh viên được thực hành trên thiết bị hiện đại do doanh nghiệp cung cấp. Với chương trình hợp tác này, học sinh sẽ được gửi về các đại lý thực tập ngay từ năm học thứ 2. Với những học sinh thể hiện tốt, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ lương và tuyển thẳng. Mức lương tối thiểu sinh viên ngành này ra trường nhận được là từ 7 - 9 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn tùy năng lực.
Điều đáng nói, với chương trình đào tạo đạt chuẩn về công nghệ ô tô, cánh cửa việc làm trong nước và đi làm việc tại nước ngoài sẽ rộng mở hơn với những học viên này.
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, cần phải có những quyết sách căn cơ để tạo nền móng phát triển thị trường lao động ổn định, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, kịp thời ứng phó với các thách thức trong và ngoài nước sau đại dịch.
Để nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang chủ động hợp tác với doanh nghiệp để tăng thời gian đào tạo, thực hành cho người học trong doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến sử dụng, thành lập các cơ sở thực hành tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!