Người học tham gia ý kiến với hiệu trưởng về các khoản đóng góp có liên quan

T.K-Chủ nhật, ngày 24/05/2020 10:09 GMT+7

VTV.vn - Thông tư của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập nêu rõ những việc người học tham gia ý kiến với hiệu trưởng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập,

Thông tư quy định rõ những việc nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động và người học tham gia ý kiến trước khi hiệu trưởng quyết định gồm: Kế hoạch năm học, học kỳ, tháng của cơ sở giáo dục; các biện pháp cải tiến tổ chức, hoạt động và lề lối làm việc; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân; thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động…

Những việc người học tham gia ý kiến gồm: Những thông tin có liên quan đến học tập, rèn luyện, sinh hoạt và các khoản đóng góp theo quy định; nội quy, quy định của cơ sở giáo dục có liên quan đến người học;

Về hình thức tham gia ý kiến, căn cứ đặc điểm, tính chất và nội dung hoạt động, các cơ sở giáo dục áp dụng những hình thức sau: Tham gia ý kiến trực tiếp hoặc thông qua người đại diện với hiệu trưởng. Phát phiếu hỏi ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo văn bản để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động và người học tham gia ý kiến. Thông qua hộp thư điện tử của đơn vị để nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động và người học tham gia ý kiến.

Hiệu trưởng trường công phải công khai kinh phí hoạt động, kế hoạch tuyển dụng

Thông tư cũng quy định rõ những việc hiệu trưởng phải công khai để nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động biết bao gồm: Các nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục; kế hoạch năm học, học kỳ, tháng, tuần; kế hoạch, đề án, dự án, chiến lược định hướng phát triển của cơ sở giáo dục; kinh phí hoạt động hằng năm; kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng; quyết định bổ nhiệm, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí việc làm, đi công tác nước ngoài, giải quyết chế độ, nâng bậc lương, thăng hạng, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động; việc đánh giá, xếp loại, hợp đồng làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc…

Việc công khai được thực hiện qua các hình thức như: Niêm yết tại cơ sở giáo dục; thông báo tại hội nghị nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động của cơ sở giáo dục; thông báo tại đối thoại của cơ sở giáo dục; thông báo bằng văn bản gửi toàn thể nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục đích thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục nhằm tăng cường nề nếp, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của cơ sở giáo dục, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phòng chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền.

Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục phải gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng; dân chủ trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động và người học, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ sở giáo dục.

Thông tư 11 có hiệu lực thi hành từ 01/7/ 2020.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước