Theo quy định, bắt đầu từ ngày 1/8, các trường công lập bắt đầu các hoạt động học hè, ôn tập văn hóa. Riêng các trường cấp tiểu học, Bộ GD - ĐT đã có quy định không dạy thêm nhưng tại một số trường vẫn thông báo với phụ huynh, học sinh tổ chức học thêm bằng nhiều hình thức từ ngày 1/8.
Tại một số trường tiểu học trên địa bàn huyện Đông Anh, học sinh cũng đã đến tựu trường từ ngày 29/7. Cô giáo chủ nhiệm thông báo từ 1/8 học sinh sẽ học thêm vào buổi sáng. Một số trường THCS trên địa bàn huyện Đông Anh, học sinh cũng đã được giáo viên chủ nhiệm thông báo sẽ học thêm vào sáng các thứ 2, 4, 6 mỗi tuần.
Theo quy định về dạy thêm, học thêm (ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012 của Bộ Giáo dục - Đào tạo), tại khoản 4, điều 2 đã nếu: Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết.
Chị N.H.L có con đang theo học tại trường Thành Công A cho biết: "Khi con đi tập trung ở trường thì được phát một tờ thông báo mang về cho phụ huynh. Trong đó có nội dung lịch học bồi dưỡng văn hóa và học ngoại khóa mỗi môn 10.000/tiết. Trong tờ thông báo có 2 ô lựa chọn: Phụ huynh cho con học bán trú và Phụ huynh không cho con học bán trú. Không có dòng nào hỏi ý kiến là muốn cho con ôn tập văn hóa mà không học ngoại khóa vậy nên tôi có tích chọn cái nào thì cũng nghiễm nhiên cho con đi học thêm các môn ngoại khóa".
Tại trường tiểu học Thành Công A (Ba Đình - Hà Nội), nhà trường đã bắt đầu gọi học sinh đến tập trung tại trường để nhận lịch học từ 1/8. Theo đó, các em học sinh được ôn tập văn hóa 3 tiết không mất tiền đóng học phí, những tiết còn lại trong buổi các em sẽ được học ngoại khóa các môn học như rèn luyện thể chất, kỹ năng sống... Quy định về dạy thêm, học thêm đã chỉ rõ: Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Vậy nên việc nhà trường tổ chức các môn học ngoại khóa không làm trái quy định. Tuy nhiên, trong việc học sinh đăng ký đi học thêm vẫn còn nhiều lắt léo.
Chị N.H.L cũng chia sẻ thêm: "Nếu chỉ cho con học 3 tiết ôn tập thì các cháu sẽ phải về giữa buổi, phụ huynh cũng đâu thể bỏ công việc mà chạy đi đón con về được. Các bạn khác đều học thì chẳng lẽ con mình không học. Nên tôi và nhiều phụ huynh cũng không thắc mắc mà cứ thế đồng ý cho con đi học".
Nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức hoạt động học hè, ôn tập văn hóa
Về hình thức, có vẻ như rất nhiều trường đều thực hiện đúng quy định, học sinh đến ôn tập hè có bản cam kết hay đơn tự nguyện của phụ huynh. Tuy nhiên, sự tự nguyện này có phần giống như bắt buộc. Nhiều trường không cần xin ý kiến phụ huynh, giáo viên thông báo trước lớp, phụ huynh và học sinh cứ thế thực hiện theo.
Ở trường THCS Nghĩa Tân, sáng ngày 1/8 học sinh cũng đã đi học thêm. Trên bảng thông tin của trường đã dán công khai danh sách những học sinh đi học thêm trong đợt hè này. Theo quy định, đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Tuy nhiên, một số phụ huynh có con học tại trường THCS Nghĩa Tân cho biết, trường yêu cầu thế nào thì phụ huynh làm như thế. Vì xin cho con vào học được trường này là rất khó khăn vậy nên không muốn con mình bị "để ý" nếu không đi học thêm.
Dù quy định về dạy thêm, học thêm đã được Bộ GD – ĐT nêu ra rất rõ và hướng dẫn thực hiện cụ thể. Nhưng nhiều trường vẫn có thể “lách luật” để mở lớp dạy thêm, học thêm một cách hợp lý và khó bị bắt bẻ. Còn các bậc phụ huynh và học sinh dù không thích cũng không biết làm thể nào để phản bác lại nhà trường mà đành chấp nhận làm theo số đông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!