Mặc dù bị liệt hai chân từ năm 4 tuổi nhưng em Trương Trúc Phương luôn nỗ lực vươn lên trong học tập.
Cụ thể, kì thi THPT Quốc gia 2019 vừa qua, điểm 3 môn xét tuyển đại học của Phương là: Toán 7,4; Văn 7,0 và Tiếng Anh 7,2 điểm. Niềm vui của em đã trở thành hiện thực khi Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thông báo em trúng tuyển ngành Hệ thống thông tin quản trị với số điểm: 23,50 (điểm chuẩn của ngành đó là 23,25 điểm). Với kết quả đó, Trúc Phương và gia đình không khỏi bất ngờ, niềm vui như vỡ òa trong em.
Được biết, khi Phương lên 4 tuổi, điều không may mắn đã xảy với em, đó là khi em đang học lớp mẫu giáo (được 10 ngày), vào một buổi tối ở nhà lúc mọi người đang xem em hát múa, bỗng nhiên em bị khuỵu ngã xuống. Cả nhà rất bất ngờ hốt hoảng vội vã đưa em đi cấp cứu. Sau đó, các bác sĩ kết luận em bị viêm tủy cách ngang, thuộc loại bệnh hiểm nghèo ít gặp ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, đôi chân bé bỏng của em cứ ngày càng teo dần và không còn cảm giác gì nữa. Chỉ sau một thời gian ngắn, hai chân trở không còn đi lại được và trở nên "im lặng".
Nhìn ánh mắt trong veo ngấn lệ của con, ba mẹ Phương không khỏi buồn lòng. Sau đó, gia đình có cho em đi bệnh viện chữa trị nhiều nơi nhưng không có kết quả. Tuổi thơ của của Phương trôi qua gắn liền với những chuỗi ngày ngồi trên giường. Đến tuổi đi học, nhìn các bạn trong xóm qua nhà, Phương nhìn với ánh mắt khao khát. Thương con, bố mẹ Phương hết lòng ủng hộ nguyện vọng để con được đến lớp.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Kiều Dung - mẹ em không giấu nổi những giọt nước mắt, tâm sự: "Khi em Phương bị bệnh, gia đình buồn lắm, hai anh trai của Phương phải bỏ học lớp 12 giữa chừng để dành tiền cho em gái chữa bệnh. Mọi nương rẫy đều bán hết, của cải lần lượt "đội nón" ra đi".
Hiện nay, Phương vẫn thường xuyên phải thăm khám thường xuyên và uống thuốc ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn viêm tủy.
Không còn nương rẫy, bà Dung chỉ biết quanh quẩn trong nhà chăm sóc Phương và nấu rượu lấy hèm nuôi lợn, nuôi gà. Công việc đó là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình. Cũng từ đây, ba của em phải đi làm thuê hết nhà này đến nhà khác mới đủ ăn. Bệnh của em bị liệt từ ngang thắt lưng trở xuống, nên việc vệ sinh cá nhân không thể tự chủ, mọi việc thay quần áo, tắm rửa đều do mẹ em lo.
"Ngày em học cấp hai, bố mẹ thay nhau cõng em đi bộ. Khi em lên cấp ba, việc đi học với em cũng khó khăn hơn khi quãng đường đến trường xa hơn, có hôm mẹ chở xe đạp đưa em đến trường, có hôm bạn Nguyễn Thị Như Hiền học cùng lớp cõng em đến lớp" - Phương kể lại.
Từ nhà đến trường chỉ chừng 2km nhưng đối với Phương và ba mẹ em thì đó là cả một vấn đề. Nhưng thương con quá đỗi, ba mẹ Phương đã không nản lòng mà dành tất cả tình thương yêu, gắng đưa con đến trường hòa nhập với bao đứa trẻ bình thường khác. Giờ đây đôi chân khuyết tật không còn là nỗi mặc cảm, tự ti, mà trái lại, nó như nguồn động lực thôi thúc Phương càng phải cố gắng vượt qua chính mình. Bằng sự miệt mài, kiên nhẫn và tư chất thông minh, Phương đã khiến gia đình, thầy cô và bạn bè khâm phục.
Cứ như thế, suốt 3 năm học, không phụ lòng chăm lo của ba mẹ, Phương bứt phá vươn lên. Phương tự tin mà nói với chúng tôi rằng, mặc dù không đi lại được nhưng em thấy càng phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn, luôn tự tin nhìn về phía trước không dựa dẫm ỉ lại người khác. Suốt 12 năm học, em chưa một lần đi học muộn, luôn học bài và làm bài đầy đủ trước khi đến trường, em luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Bộc lộ quan niệm của mình, Phương cho biết chỉ có cố gắng trong học tập mới có cơ hội để em có một nghề trong tay, mới có thể kiếm sống bằng khối óc của mình nuôi sống bản thân. Em khát khao được trở thành một cử nhân kinh tế giỏi. Hôm nhận giấy báo kết quả, cả gia đình em đã vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc, dẫu thiệt thòi về thể chất nhưng Phương đã biến ước mơ thành hiện thực, nhờ nghị lực và sự quyết tâm cao độ của bản thân mình.
Khi nói về dự định thời gian tới khi Phương nhập học, ông Trương Ngọc Bảo - ba của Phương ngậm ngùi chia sẻ: “Sắp tới không biết gia đình xoay xở thế nào để lo học phí cho con, tôi dự định sẽ cùng vào trong TP. Hồ Chí Minh ở trọ cùng với con cho tiện việc chăm sóc. Sau đó tôi sẽ kiếm việc làm thêm, ai thuê gì thì làm nấy vậy”. Nghe ông nói đến đấy, chúng tôi không khỏi cầm lòng.
Nhận xét về cựu học sinh của trường, ThS. Nguyễn Thị Tây Thi - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cư M’gar cho biết: "Thành tích trong học tập mà em Phương đã đạt được như ngày nay, đó là nhờ sự nỗ lực cố gắng của chính bản thân em. Ngoài ra, còn là sự chăm lo của gia đình, của thầy cô và các bạn. Em Phương xứng đáng là một tấm gương điển hình có nghị lực chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo".
Phía trước Phương còn cả một chặng đường dài vất vả trong môi trường đại học, nhưng nhìn ánh mắt rạng ngời, lạc quan của nữ sinh hiền lành xinh xắn, hy vọng rằng em sẽ nỗ lực hết mình vượt qua được những chông gai trong cuộc sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!