Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục.
Trong nhiều năm qua, tại Việt Nam, kỳ nghỉ hè thường kéo dài 3 tháng từ khi kết thúc năm học cũ đến ngày khai giảng năm học mới, nằm trong khoảng từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 9 hàng năm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nghỉ hè 3 tháng là quá dài và gây ra nhiều khó khăn cho các bậc phụ huynh và thậm chí chính các em học sinh cũng không được hưởng trọn kỳ nghỉ theo đúng nghĩa.
Cách đây 10 năm, Bộ GD&ĐT đã từng có chủ trương rút ngắn kỳ nghỉ hè cho học sinh bậc tiểu học xuống còn 2 tháng, đồng thời tăng thời gian nghỉ giữa từng học kỳ, nghỉ giữa hai học kỳ và Tết Âm lịch. Tuy nhiên, cho tới nay, đây vẫn chỉ là chủ trương.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt vấn đề về việc xem xét lại thời gian nghỉ hè của học sinh Việt Nam.
Hiện nhiều trường, đặc biệt là các trường tiểu học, học sinh đã đến lớp từ tháng 8, tức là sớm hơn khoảng 1 tháng so với ngày khai giảng năm học mới. Ngoài ra, lắng nghe ý kiến từ bậc phụ huynh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, kỳ nghỉ hè kéo dài như hiện nay chưa hẳn đã phù hợp với cuộc sống ở thành thị.
Kỳ nghr hè 3 tháng là quá dài trong khi nhiềunơi tựu trường sớm?
"Việc khai giảng hiện nay đã bớt nhiêu khê, nhưng năm tới mong Bộ GD&ĐT bàn lại về thời gian nghỉ hè. Thời gian nghỉ hè từ xưa quy định 3 tháng nhưng tới giờ liệu còn phù hợp? Bộ cần xem xét mặt nào được, mặt nào chưa được? Mặt chưa được là kỳ nghỉ hè quá dài. nên nhiều bố mẹ của trẻ gặp rất khó khăn. Trên thực tế, nhiều nơi đã tựu trường sớm. Vì vậy trong năm tới, theo tôi, Bộ GD&ĐT cần bàn ráo riết điều này nếu không sẽ là rất hình thức", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Muốn đổi mới giáo dục cần mạnh dạn bãi bỏ các quy định cứng nhắc, không phù hợp thực tiễn
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vấn đề quản lý nhà nước, quản trị đại học, quản trị trong các trường phổ thông, mầm non "còn rất nhiều quy định cứng nhắc, có tính đồng loạt, cầm tay chỉ việc không còn phù hợp với thực tiễn".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lấy ví dụ từ ngay các ý kiến phát biểu tại hội nghị như đại học tự chủ thì được khuyến khích cấp học bổng cho sinh viên nghèo nhưng vẫn vướng quy định phải dành 80% học bổng cho sinh viên giỏi; quy định xếp lương cho giáo viên mầm non theo chuẩn trung cấp trong khi ở nhiều nơi trình độ giáo viên đã là cao đẳng, đại học. Còn không ít các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hoạt động, kỳ thi… mang bệnh thành tích, chưa thực sự vì học sinh.
"Bộ GD&ĐT cần rà soát, mạnh dạn bãi bỏ các quy định cứng nhắc theo kiểu "cầm tay chỉ việc", không phát huy được tính sáng tạo chủ động ở cấp dưới, không còn phù hợp với thực tiễn…, đặc biệt là những quy định có tính hình thức, các loại chuẩn, tiêu chuẩn cứng nhắc áp đặt từ trên xuống", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!