Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm - Vấn đề cấp bách

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 17/08/2017 20:11 GMT+7

VTV.vn - Việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm hiện phải được xác định là vấn đề cấp bách, cần làm ngay.

Thời gian gần đây, dư luận đã bày tỏ quan ngại trước thông tin điểm đầu vào một số trường sư phạm chỉ có 9 điểm, tức là trung bình chỉ cần đạt 3 điểm một môn là tương lai có thể trở thành một nhà giáo. Nhiều ý kiến lo ngại điểm đầu vào quá thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sinh viên ngành giáo dục nói riêng và chất lượng ngành giáo dục nói chung trong tương lai.

Sáng nay (17/8), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về vấn đề chất lượng đào tạo tại hệ thống các trường, các ngành sư phạm và chất lượng tuyển sinh đầu vào của khối các trường sư phạm; đồng thời cũng cho một số ý kiến chỉ đạo, bước đầu giải quyết tình trạng này.

Tháng 4/2016, Thủ tướng ban hành Quyết định 732 phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó mục tiêu đến năm 2020, toàn hệ thống từ Trung ương tới địa phương chỉ được đào tạo thêm 190.000 người.

Kể từ đó đến nay, trong vòng 2 năm, tổng chỉ tiêu tuyển mới của toàn hệ thống đã lên tới gần 100.000 em. Như vậy, trong 3 năm tới đây, ngành giáo dục sẽ chỉ được tuyển thêm 90.000 người nữa. Con số này cần phải được tính toán kĩ và điều tiết trên toàn hệ thống vì tình trạng thừa thiếu giáo viên ở các địa phương, các cấp học, thậm chí từng môn học đang diễn ra tại nhiều nơi. Nhưng trên thực tế, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa làm được điều này.

Báo cáo Phó Thủ tướng, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bộ đã liên tục cắt giảm chi tiêu tuyển sinh ngành sư phạm từ 10 - 20% trong 3 năm vừa qua nhưng chưa thể cho ngừng tuyển mới vì liên quan đến sự sống còn của các trường sư phạm.

Đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì cho biết: Chỉ tiêu của trường này và các trường Đại học Sư phạm khác do Bộ quản lý chỉ khoảng 10.000. 40.000 chỉ tiêu còn lại do các địa phương quyết định và giao cho trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn mình quản lý. Số chỉ tiêu này nằm ngoài khả năng của Bộ Giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải làm việc chặt chẽ hơn với các địa phương, với Bộ Nội vụ về việc này. Sắp tới, các địa phương cũng cần phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, không thể để tình trạng nơi thừa nơi thiếu giáo viên, đào tạo tràn lan không tính đến đầu ra như hiện nay, sẽ tạo nên sự lãng phí lớn cho xã hội.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng: Cần phải có những giải pháp hiệu quả, việc triển khai thực hiện phải thực sự sát sao, nghiêm túc, có trách nhiệm. Tinh thần là không thể vì 8.000 giáo viên, cán bộ công nhân viên đang công tác trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm mà coi nhẹ chất lượng đào tạo giáo viên của cả nước.

Một trong những giải pháp quan trọng mà lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để đảm bảo quản lý tốt chất lượng tuyển sinh, đào tạo và đầu ra của các trường, các ngành sư phạm đó là việc quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng sư phạm trên cả nước. Việc quy hoạch lại mạng lưới các trường được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết vấn đề này ở tầm chiến lược.

Cả nước hiện có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Đó là chưa kể các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có ngành đào tạo giáo viên khác. Có thể thấy, số lượng các trường rất lớn, rải rác ở nhiều địa phương trên cả nước, các trường lại có giáo trình, chương trình đào tạo riêng dựa trên chương trình khung của Bộ.

Việc quy hoạch lại sẽ được thực hiện theo hướng: các trường đại học có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trường sư phạm trọng điểm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm này. Toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm sẽ được chuẩn hóa và sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên ở các nơi được đồng nhất. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện là đơn vị được giao phối hợp cùng Bộ xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới các trường.

Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành đào tạo sư phạm đã mở, nơi nào không đủ điều kiện, địa phương không còn nhu cầu đào tạo mới giáo viên sẽ ngừng tuyển sinh. Sau khi nghiên cứu kĩ tình hình, Bộ cũng sẽ bàn với các địa phương để chuyển đổi nhiệm vụ các trường cao đẳng sư phạm từ đào tạo sinh viên chính quy sang bồi dưỡng và đào tạo lại giáo viên. Việc bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên cũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị đổi mới chương trình giáo dục phổ thông như hiện nay.

Trên thực tế, trước tình hình khó khăn trong tuyển sinh đầu vào, vài năm gần đây, một số địa phương đã tự tìm giải pháp cho mình bằng cách sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào khoa sư phạm của một trường đại học khác trên địa bàn. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ít ỏi và cũng chỉ là cách làm mang tính tình thế.

Việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm hiện phải được xác định là vấn đề cấp bách, cần làm ngay. Vì cứ chậm trễ 1 năm, lại có thêm một lứa thí sinh được tuyển mới, thêm một lứa sinh viên ra trường mà triển vọng công việc của họ như thế nào vẫn là một dấu hỏi lớn...

Họp bàn giải pháp kiểm soát tuyển sinh đầu vào sư phạm Họp bàn giải pháp kiểm soát tuyển sinh đầu vào sư phạm

VTV.vn - Sáng 17/8, Bộ GD&ĐT báo cáo về vấn đề chất lượng đào tạo tại hệ thống các trường, các ngành sư phạm và chất lượng tuyển sinh đầu vào của khối các trường này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước