Sáng tạo trong giáo dục: Nhất thiết phải to tát hay nhiều thay đổi nhỏ sẽ cộng hưởng?

Trung tâm tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 17/10/2018 10:57 GMT+7

VTV.vn - Nhân dịp 20/11 sắp tới gần, một giải thưởng tâm huyết của những người làm nghề giáo đang trong giai đoạn xét chọn kĩ lưỡng.

Giải thưởng "Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo" là giải thưởng thường niên do Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức và trao tặng các cá nhân nhiệt tình, tâm huyết công tác trong ngành giáo dục.

Giải thưởng cũng nhằm mục đích tôn vinh những đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học", khích lệ các nhà giáo tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả, chuyển biến mới ở mỗi đơn vị nhà trường. Quan tâm, động viên những nhà giáo ở cơ sở giáo dục còn khó khăn có những sáng tạo độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, giúp đỡ học sinh yếu kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên đạt kết quả cao trong học tập và trong cuộc sống, giúp đỡ học sinh có năng khiếu phát triển tài năng…

Năm học 2017 - 2018 là năm thứ 2 Giải thưởng này được tổ chức. Giải thưởng gồm 2 tiêu chí lớn: Tâm huyết với nghề và Đổi mới, sáng tạo cùng 11 tiêu chí thành phần.

Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" đang trong quá trình xét giải dành cho khối Tiểu học với 30 hồ sơ tham gia của 30 nhà giáo là quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy thuộc các trường Tiểu học trên địa bàn toàn thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam, thành viên Hội đồng chuyên môn Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" năm học 2017 – 2018 cho rằng sáng tạo trong giáo dục, trong hoạt động của giáo viên thì nhiều thay đổi nhỏ sẽ tạo nên sự thay đổi lớn.

Thay đổi cũng là sáng tạo

Nhận xét về chất lượng hồ sơ tham gia Giải thưởng cho đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết, mặt bằng chung chất lượng hồ sơ tương đối đồng đều. Sản phẩm minh chứng về sự tâm huyết, sáng tạo khá rõ nét; trong đó tập trung ở các giáo viên nhiều tuổi. Điều này phần nào cho thấy sự ảnh hưởng, sức lan tỏa không nhỏ của Giải thưởng này đối với các giáo viên nói chung, nhất là các giáo viên có nhiều năm công tác trong nghề.

Sáng tạo trong giáo dục: Nhất thiết phải to tát hay nhiều thay đổi nhỏ sẽ cộng hưởng? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Ân (ngồi giữa) cùng Hội đồng chuyên môn xét Giải thưởng

Đánh giá cao về sự tâm huyết của các giáo viên, ông Ân cũng nhấn mạnh tính sáng tạo trong các hồ sơ tham dự Giải: "Tôi nhìn thấy sự sáng tạo mang tính đặc thù, mang dấu ấn của từng nhà trường, tính tâm huyết và sự sáng tạo rất cụ thể, rõ ràng đúng theo tiêu chí cải thiện, thay đổi cái mới so với cái cũ" - ông Ân nói.

Trước đó, nhiều người lăn tăn đặt câu hỏi, tiêu chí sáng tạo trong Giải thưởng liệu có hơi định tính và làm khó giáo viên khi tham gia. Tuy nhiên, theo ông Ân, tiêu chí sáng tạo trong Giải thưởng này không làm khó giáo viên. Tiêu chí này vừa là cơ hội, vừa là sự thách thức bởi trong xã hội hiện đại, giáo viên bắt buộc phải có sự thay đổi, phải có sự vận động, sáng tạo trong quản lý và giảng dạy nếu không muốn tụt hậu.

"Thay đổi cũng là sáng tạo chứ không nhất thiết phải là cái gì đao to búa lớn, hình thức. Sáng tạo không phải là cái gì quá xa lạ. Đó có thể là những sáng tạo tưởng chừng rất đơn giản, dễ làm, thực tế nhưng nó có tác động tích cực đến học sinh, nhà trường, phụ huynh, đến chương trình. Nhiều thay đổi nhỏ sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn, từng cái nhỏ sẽ dẫn tới một cái lớn vững chắc hơn" - ông Ân nói.

Với quan niệm về tính sáng tạo mang tính "mở" như trên, năm nay, Ban Tổ chức và Hội đồng khoa học thống nhất đánh giá tiêu chí sáng tạo trong các hồ sơ tham dự trên cơ sở sự tiến bộ, sự thay đổi của từng giáo viên trên từng vùng miền chứ không lấy cào bằng. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, thành viên Hội đồng chuyên môn cho rằng, một sáng kiến hay, hiệu quả thì nên được chia sẻ và có sự lan tỏa tới đồng nghiệp; từ đó, tạo nên một tập thể có chuyên môn vững mạnh. Vì vậy, trong quá trình chấm, Hội đồng cũng sẽ đánh giá cao các hồ sơ có yếu tố lan tỏa tốt.

Cũng theo ông Ân, trong các Giải thưởng hoặc cuộc thi trước đây, người ta quan niệm đổi mới hay sáng tạo phải là cái gì đó to lớn, ngoài khả năng, tầm vóc của họ, dẫn tới việc sáng kiến tạo ra chỉ nằm ở lý thuyết nhưng quan niệm này đã được khắc phục trong năm thứ 2 của Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" khi các sáng kiến đã đi vào thực tế, nhỏ nhưng "chất" và thiết thực. Tiêu biểu như sáng kiến: sử dụng đồ tái chế làm đồ dùng học tập của cô Lê Thùy Minh, Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình); tìm hiểu, giúp đỡ, kèm cặp các em học sinh bị tăng động, giảm tập trung tại lớp chủ nhiệm của cô Phạm Thị Thanh Huệ, Tiểu học Phù Lỗ A (Sóc Sơn)...

Nhiều sáng kiến về xây dựng đội ngũ giáo viên

Bên cạnh các sáng kiến của giáo viên trực tiếp làm công tác giảng dạy, đối với khối Tiểu học xuất hiện thêm nhiều sáng kiến liên quan đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên trên cương vị cán bộ quản lý, tiêu biểu như sáng kiến: Tổ chức hoạt động "Kế hoạch 3 năm xây dựng đội ngũ giáo viên trẻ" của cô Nguyễn Thị Thu Hảo, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng); Định hướng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên của cô Đỗ Thị Hồng Thúy, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Liên Châu (Thanh Oai); Hướng dẫn giáo viên bồi dưỡng chất lượng mũi nhọn, nâng cao chất lượng đại trà, tổ chức các hoạt động ngoại khóa nâng cao kỹ năng sống cho học sinh của cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên)...

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, xây dựng đội ngũ giáo viên là đề tài không "nổi" nhưng nó cho thấy tín hiệu đáng mừng bởi các giáo viên đang nhận thức và đi đúng hướng. Trong giáo dục, nếu không có đội ngũ tốt thì không làm được gì.

Tính đến thời điểm hiện tại, qua 02 ngày xét Giải thưởng đối với khối Mầm non - Phòng Giáo dục và Tiểu học cho thấy, số lượng cán bộ quản lý tham gia Giải thưởng là tương đối lớn. Cụ thể, trên tổng số 63 hồ sơ tham dự giải có tới 32 cán bộ quản lý trên (chiếm gần 50%), trong đó có nhiều cán bộ quản lý đã nhiều tuổi.

Chia sẻ về điều này, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, đối tượng cán bộ quản lý tham dự Giải thưởng nhiều có thuận lợi hơn ở chỗ họ là những người tâm huyết lâu năm trong nghề. Tuy nhiên, theo ông Lâm, chỉ tâm huyết thôi chưa đủ, trong giáo dục rất cần những cán bộ quản lý có đủ cả tâm huyết và kiến thức về khoa học giáo dục.

Sáng tạo trong giáo dục: Nhất thiết phải to tát hay nhiều thay đổi nhỏ sẽ cộng hưởng? - Ảnh 3.

“Trong giáo dục rất cần những cán bộ quản lý có đủ cả tâm huyết và kiến thức về khoa học giáo dục” - TS. Nguyễn Tùng Lâm (ngoài cùng bên trái).

"Mặc dù các cán bộ quản lý đã nhận thức được tầm quan trọng trong định hướng xây dựng đội ngũ giáo viên nhưng câu chuyện đáng nói là đứng trên cương vị quản lý phải hiểu, động viên, khích lệ đội ngũ như thế nào, tránh áp đặt ra sao để không làm thui chột khả năng sáng tạo của giáo viên. Giải quyết được vấn đề này thì sáng kiến mới được coi là trọn vẹn" - ông Lâm nói.

Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" năm học 2017 - 2018 đang bước vào thời điểm nước rút của việc xét Giải. Thông tin từ Ban Tổ chức, trong hôm nay (ngày 17/10) Hội đồng chuyên môn sẽ xét giải đối với khối THCS và ngày 22/10 xét giải đối với khối THPT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án văn hóa ứng xử trong trường học Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án văn hóa ứng xử trong trường học

VTV.vn - Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục xây dựng đề án bài bàn về văn hóa ứng xử trong nhà trường từ cấp mầm non đến đại học.


Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước