Từ ngày 15/9, 4 trường tiểu học tại Hà Nội và 1 trường tiểu học tại TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu khai giảng lớp học tiếng Nhật dành cho học sinh lớp 3. Đây là kết quả của sự trao đổi giữa Đại sự quán Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc đưa tiếng Nhật vào các trường tiểu học, trung học cơ sở và Trung học phổ thông tại Việt Nam.
Trong những ngày qua, tại trường THPT Chu Văn An, việc giảng dạy tiếng Nhật đã được đưa vào chương trình học của các học sinh 2 lớp 3K và 3H. Mỗi tuần, các em sẽ học 4 tiết tiếng Nhật và học song song với môn tiếng Anh. Cô Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An - cho biết: "Trong ngày 15/9 vừa qua, nhà trường đã khai giảng lớp tiếng Nhật. Trong tiết học đầu tiên, các em học sinh đã được giao lưu, tìm hiểu về đất nước và con người Nhật Bản, những tiết học sau này mong rằng sẽ tạo được nhiều hứng thú hơn cho các em".
Đại sứ quán Nhật Bản và Bộ GD - ĐT sẽ phối hợp thực hiện mục tiêu giảng dạy tiếng Nhật như một môn ngoại ngữ thứ nhất từ lớp 3 của bậc tiểu học trong khuôn khổ của "Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" (Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020) do Chính phủ Việt Nam tiến hành.
Theo Đại sứ quán Nhật Bản, việc đưa tiếng Nhật vào giảng dạy ở bậc tiểu học trên thế giới không nhiều. Việt Nam là nước thí điểm đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đưa tiếng Nhật vào giảng dạy. Từ năm 2003, tiếng Nhật đã được đưa vào giảng dạy tại các trường trung học cơ sở của Việt Nam. Theo số liệu khảo sát của Cơ quan giáo dục tiếng Nhật, hiện có khoảng 46.000 người học tiếng Nhật tại Việt Nam.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An cho biết thêm, Sở GD - ĐT phối hợp cùng trường Đại học Ngoại ngữ cử giáo viên dạy tiếng Nhật đến để giảng dạy, giáo trình dạy học được cấp theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Các em học sinh thuộc 2 lớp học thí điểm tiếng Nhật học song song cùng chương trình tiếng Anh.
Theo lộ trình, tiếng Nhật sau khi được đưa vào giảng dạy thí điểm tại 5 trường tiểu học sẽ dự kiến lần lượt được nhân rộng trên cả nước. Cũng theo đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, bắt đầu từ năm học sau, tiếng Nga và tiếng Trung sẽ được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam từ lớp 3 đến lớp 12.
Trước thông tin này, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng bởi việc đưa thêm nhiều thứ tiếng vào chương trình sẽ khiến sức ép học Ngoại ngữ tăng cao. Đặc biệt là việc phổ điểm môn thi môn Ngoại ngữ tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp vẫn còn "đội sổ", liệu các em có thể tập trung đầu tư thêm cho một thứ tiếng khác nữa hay không. Tuy nhiên, để nắm bắt được tình hình chung và kết quả thí điểm thì vẫn cần phải chờ thêm một thời gian nữa. Theo quan sát chung, hiện các em học sinh vẫn đang tỏ ra rất háo hức và thích thú khi được học môn ngoại ngữ mới này.
Chương trình và sách giáo khoa tiếng Nhật các lớp tiếp theo đang được hoàn thiện.
Các trường tại Hà Nội giảng dạy tiếng Nhật:
Tiểu học Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm (công lập)
Tiểu học Khương Thượng, quận Đống Đa (công lập)
Tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ (công lập)
Tiểu học quốc tế Gateway (tư thục)
Trường tại TP Hồ Chí Minh giảng dạy tiếng Nhật:
TH-THCS-THPT Việt Úc (tư thục)
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!