Sinh viên có nên đi làm thêm trong quá trình học đại học, cao đẳng?

Khánh Nguyễn-Thứ ba, ngày 25/09/2018 06:00 GMT+7

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội

VTV.vn - Một câu hỏi được đặt ta là, liệu các bạn sinh viên có nên đi làm thêm trong quá trình theo học tại các trường đại học, cao đẳng hay không?

Hiện các tân sinh viên đã bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng, tuy nhiên ngay từ lúc này, một số bạn sinh viên vẫn chưa có định hướng đúng đắn về quá trình học tập tại giảng đường đại học và định hướng tương lai sau khi ra trường.

Nhiều bạn sinh viên cho rằng, đỗ đại học đã đạt được mục tiêu của bản thân và gia đình và nghiễm nhiên sẽ ra được trường với tấm bằng đại học. Một số bạn sinh viên tỏ ra bỡ ngỡ với cách giảng dạy tại trường đại học khác hẳn so với khi học phổ thông và chưa có cách học phù hợp. Nhiều bạn sinh viên còn chưa hình dung sẽ ra trường sẽ có việc làm ra sao, môi trường làm việc thế nào?

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có những chia sẻ và đưa ra lời khuyên hữu ích với các bạn tân sinh viên.

Theo ông, các bạn tân sinh viên nên làm gì để có được hiệu quả học tập tốt nhất trong các năm học đại học và sau khi ra trường tránh rơi vào tình trạng khó tìm được việc làm?

PGS.TS Trần Văn Tớp: Quá trình học phổ thông hết sức quan trọng. Những em đã vượt qua kỳ thi THPT Quốc gia, đỗ vào các trường mình mong muốn là điều rất tuyệt vời. Tuy nhiên, các em phải xác định, học đại học sẽ khác với học phổ thông. Các em sinh viên phải học một cách chủ động và thông qua các hoạt động trải nghiệm trong cuộc sống.

Nếu ở giai đoạn học phổ thông, các em nhận được nhiều sự quan tâm từ bố mẹ, thầy cô một cách thường xuyên thì lên đại học các em phải chủ động về cả kiến thức và kĩ năng. Có những em tân sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cảm thấy rất là "choáng" bởi lượng kiến thức khá nhiều. Vì vậy, không chỉ học ở trường mà các em còn cần tự học ở nhà, ở thư viện, học theo nhóm... Có như vậy, các em mới có đủ kiến thức.

Sinh viên có nên đi làm thêm trong quá trình học đại học, cao đẳng? - Ảnh 1.

Sinh viên tình nguyện trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ngoài ra, các em cũng cần rèn luyện thêm kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình, ngoại ngữ... Đây là những điều kiện đủ bên cạnh kiến thức chuyên môn để 1 sinh viên tốt nghiệp ra trường có được một công việc và vị trí việc làm tốt.

Các bạn sinh viên có nên đi làm thêm trong quá trình học đại học không, thưa ông?

PGS.TS Trần Văn Tớp: Tôi nghĩ rằng tùy từng hoàn cảnh, điều kiện của mỗi em. Nếu cần phải làm thêm về kinh tế thì các em nên cân đối, bố trí thời gian một cách hợp lý giữa học và làm. Dù rằng việc đi làm thêm cũng đem lại cho các em ít nhiều những trải nghiệm về cuộc sống, hiểu được giá trị của sức lao động để kiểm ra được đồng tiền. Tuy nhiên, cái chính là không ảnh hưởng đến việc học của các em.

Hiển nhiên, các em sinh viên trong quá trình học sẽ rất khó có được kinh nghiệm. Tuy vậy, nhiều sinh viên năm thứ 3 của ĐH Bách khoa Hà Nội đã đi làm thêm, nhưng làm về các lĩnh vực chuyên môn như công nghệ thông tin, phần mềm máy tính ở một số doanh nghiệp, công ty lớn. Như vậy, sau 5 năm học và ra trường, các em đã có tới 2 năm kinh nghiệm nên khá thuận lợi.

Trước đây, chúng ta quá tập trung vào kiến thức chuyên môn, nhưng thời đại hiện nay thì việc nâng cao kĩ năng thực tế là rất quan trọng. Các doanh nghiệp yêu cầu đội ngũ nhân lực mới phải có nhiều kĩ năng làm việc thực tiễn. Trường chúng tôi cũng đưa vào kiến thức bổ trợ để tăng cường kĩ năng thực hành cho sinh viên, kết hợp các em làm việc nhóm để thể hiện được sự chủ động, sáng tạo.

Yêu cầu về kĩ năng làm việc thực tế là đòi hỏi của người sử dụng lao động. Dù muốn hay không muốn, các trường cũng có thể bằng cách này cách kia đưa vào đào tạo kĩ năng làm việc thực tế cho sinh viên.

Một câu hỏi khá tế nhị, theo ông, các bạn sinh viên có nên yêu hay không?

PGS.TS Trần Văn Tớp: Tại sao lại không? Cuộc sống này thiếu đi tình yêu sẽ mất đi thi vị. Thực tế cho thấy, những em có tình yêu, có động lực phấn đấu, học tập tốt hơn thì rất đáng quý. Còn em nào vì tình yêu mà sao lãng học tập thì tôi nghĩ là không nên.

Tôi nghĩ, các em sinh viên nên có một tình bạn và tình yêu trong trường đại học thì mối tình đó có thể sẽ rất đẹp.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước