Hội nghị "Triển khai hỗ trợ biên soạn tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018" diễn ra ngày 6/6, tập trung trao đổi, góp ý khung nội dung giáo dục địa phương, xây dựng quy trình phối hợp thống nhất, với mục tiêu mỗi tỉnh có 1 bộ tài liệu giáo dục địa phương, đáp ứng mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Tài liệu giáo dục địa phương sẽ được giảng dạy như một môn học
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, nội dung giáo dục địa phương được coi như một bộ phận của Chương trình GDPT 2018 và được thực hiện giảng dạy như một môn học.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị
Bộ tài liệu giáo dục địa phương do địa phương tổ chức xây dựng, biên soạn, với quy trình biên soạn, thẩm định theo đúng văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, đảm bảo chất lượng cả về nội dung và hình thức, cũng như phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Bộ GDĐT tiến hành thẩm định, phê duyệt bộ tài liệu này.
Thứ trưởng lưu ý, điểm khác biệt giữa tài liệu giáo dục địa phương mới so với những tài liệu trước đây, là tập trung biên soạn theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, với quy trình chặt chẽ, công phu.
Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 hội tụ đội ngũ chuyên gia Việt Nam và quốc tế, với nhiều kinh nghiệm biên soạn SGK và tài liệu giáo dục địa phương sẽ đồng hành, hỗ trợ 17 tỉnh khu vực khó khăn nhất triển khai nhiệm vụ này.
Tại Hội nghị, các chuyên gia của dự án giới thiệu gợi ý khung chương trình và đề xuất cấu trúc tài liệu địa phương; kế hoạch biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, những nội dung phối hợp tổ chức biên soạn.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Tư vấn trưởng quốc tế, nội dung tài liệu giáo dục địa phương phải tuân thủ mọi quy định của Chương trình GDPT 2018. Tài liệu phải mang tính mở, về nội dung, phương pháp và mục tiêu, theo đó, địa phương có trách nhiệm cao nhất và toàn diện trong thực hiện nội dung này.
"Mục tiêu cao nhất của tài liệu này là phát triển tình yêu, lòng tự hào, tinh thần sẵn sàng và năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng để xây dựng quê hương." - Ông Cường chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Cường lưu ý, năng lực, kỹ năng chỉ hình thành thông qua hành động. Do đó, chương trình GDPT nói chung, tài liệu giáo dục địa phương nói riêng và phương pháp dạy học phải theo quan điểm giải quyết vấn đề chứ không phải chỉ truyền thụ để học sinh biết nhiều kiến thức.
Hoàn thành tài liệu giáo dục địa phương trong năm 2020
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu xác định rõ chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị trong công tác biên soạn bộ tài liệu giáo dục địa phương. Theo đó, Sở GDĐT phải tham mưu UBND tỉnh sớm thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng biên soạn tài liệu và tập huấn hội đồng biên soạn ở địa phương.
Đại diện các Sở GDĐT địa phương ghi nhận sự hỗ trợ tích cực của dự án |
Mục tiêu đặt ra là hoàn thành biên soạn bộ tài liệu giáo dục địa phương cho 17 tỉnh khu vực khó khăn nhất trong năm 2020, đáp ứng kế hoạch triển khai Chương trình GDPT mới từ năm học 2020-2021.
Sắp tới, Bộ GDĐT sẽ ban hành Thông tư về thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, bao gồm quy trình, cách thức thẩm định. UBND tỉnh sẽ ban hành tiêu chuẩn, quy trình biên soạn bộ tài liệu giáo dục địa phương.
Hỗ trợ địa phương triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, dự án đã đề xuất hai khung chương trình gợi ý, giúp tạo sự thống nhất tương đối trong đa dạng, tạo sự đồng bộ, bổ sung lẫn nhau giữa các môn học và tài liệu giáo dục địa phương.
Theo đó, khung chương trình tổng thể có 17 chủ đề sắp xếp theo 3 nhóm vấn đề do đặc điểm tích hợp của tài liệu: Văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương; địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương; Chính trị - xã hội, môi trường của địa phương.
Trên cơ sở 17 chủ đề trong khung tổng thể, khung chương trình thứ hai dành cho giáo dục địa phương cấp THCS với những gợi ý sâu hơn, cách tiếp cận cụ thể hơn, với các nội dung riêng dành cho từng khối lớp 6, 7, 8, 9. Tùy đặc thù và nội dung tương đương của các môn học liên quan, địa phương có thể lựa chọn nội dung phù hợp để phân phối cho mỗi cấp học, khối lớp.
Với chương trình giáo dục tiểu học, không có quỹ thời gian riêng dành cho giáo dục địa phương mà nội dung này được tích hợp vào các hoạt động môn học trải nghiệm.
Trao đổi tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở GDĐT Phú Thọ nhận định: "Dự án, các chuyên gia đã gợi ý khung chương trình hết sức khoa học, phù hợp, giải quyết được những bất cập khi biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, chúng tôi có thể tham khảo cho các bậc học".
"Chúng tôi sẵn sàng phối hợp, đón nhận sự hỗ trợ của dự án trong nhiệm vụ biên soạn tài liệu giáo dục địa phương" - Đại diện lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Sơn La cho biết.
Các đại biểu cũng tham gia góp ý hoàn thiện khung chương trình; làm rõ căn cứ pháp lý; kế hoạch, lộ trình triển khai khả thi; đồng bộ nội dung tài liệu giáo dục địa phương các cấp học; vấn đề kinh phí hỗ trợ; bản quyền; tập huấn;…
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT trao đổi tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT đã giải đáp những băn khoăn của đại biểu địa phương về cơ sở pháp lý.
Ông Thành chỉ rõ, Hội đồng biên soạn, Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập. Khung chương trình do dự án gợi ý mang tính hỗ trợ, không mang tính bắt buộc, được xem như tài liệu tham khảo cho địa phương.
"Dự án chỉ hỗ trợ, không thể làm thay địa phương. Sự hỗ trợ của dự án đối với địa phương có nhiều cách thức, hình thức khác nhau như gợi ý khung chương trình, tổ chức các hội thảo chuyên môn, làm sao xuyên suốt các bậc học, địa phương thụ hưởng" - Ông Thành nêu rõ.
Theo ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc dự án, đề xuất khung chương trình là một trong những hoạt động hỗ trợ cho địa phương trong quá trình biên soạn tài liệu giáo dục địa phương.
"Nếu được xây dựng, biên soạn bởi tâm huyết của thầy cô ở địa phương, chúng ta sẽ có bộ tài liệu giáo dục địa phương đạt chất lượng tốt. Từ đây, các cháu học sinh có thể có nền tảng trí tuệ, đạo đức, nghị lực của khu vực, địa phương, để học tập và phát triển" - Ông Nam mong muốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!