Bình Thuận là một trong những địa phương có đồng bào Chăm sinh sống nhiều nhất cả nước. Để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng Chăm, những năm qua, công tác dạy chữ tiếng Chăm cho con em người Chăm tại các trường tiểu học ở Bình Thuận luôn được quan tâm và duy trì thường xuyên.
Đến nay, mỗi năm học có khoảng từ 3.000 đến 4.000 học sinh tham gia học tiếng Chăm, chiếm tỷ lệ 90% học sinh Chăm toàn tỉnh. Năm học 2015 - 2016, Bình Thuận có 12 trường tiểu học thuộc các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân, tổ chức dạy tiếng Chăm với tổng số gần 3.200 học sinh người Chăm được phân bổ ở 129 lớp. Hiện toàn tỉnh có 47 giáo viên dạy tiếng Chăm được đào tạo bồi dưỡng, trong đó 24 giáo viên chuyên dạy tiếng Chăm và 23 giáo viên dạy kiêm nhiệm.
Trường Tiểu học Lâm Giang (xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc) là một trong những địa phương đi đầu trong việc dạy và học tiếng Chăm truyền thống. Toàn trường hiện có 10 lớp học với 226 học sinh, trong đó 203 em là người Chăm. Với phương châm dạy cho các em biết đọc, biết viết chữ mẹ đẻ, cung cấp cho các em một số tri thức tối thiểu về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; đồng thời giúp học sinh tiếp thu nhanh và thuận lợi các kiến thức được truyền đạt bằng hai thứ tiếng, mỗi tuần trường tổ chức dạy khoảng 40 tiết học tiếng Chăm cho tất cả các khối lớp. Mỗi tiết học bao gồm 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết.
Là người gắn bó lâu năm với việc dạy tiếng Chăm, thầy Thông Văn Ðá, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lâm Giang cho biết: Trường đã có truyền thống dạy tiếng Chăm từ những năm 80. Ngoài ý nghĩa bảo tồn tiếng nói và chữ viết Chăm, việc dạy tiếng Chăm bổ trợ rất nhiều cho việc dạy tiếng Việt. Thông qua tiếng Chăm, giáo viên sẽ cung cấp thêm những sự vật, giải nghĩa một số từ tiếng Việt mà các em chưa biết hoặc không hiểu, từ đó, giúp các em học tốt hơn các môn học khác bằng tiếng Việt. Mặc dù kết quả chỉ sử dụng tham khảo nhưng hầu hết các em đều biết đọc, biết nói tiếng Chăm. Riêng các em khối lớp 4, lớp 5 có thể viết được một đoạn văn ngắn bằng chữ Chăm.
Chia sẻ về khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc dạy tiếng Chăm, thầy Thông Văn Đá cho hay: Trước đây, việc dạy chữ viết của người Chăm rất hạn chế. Việc dạy chữ Chăm gắn với các bài kinh, lễ tục, phong tục truyền thống của dân tộc. Chỉ có những vị chức sắc trong làng hoặc gia đình trí thức mới biết đọc và viết chữ tiếng Chăm, còn lại hầu hết người Chăm hiện nay, chỉ biết nói chứ không biết đọc và viết. Vì vậy, phần lớn phụ huynh các em đều không biết viết, biết đọc tiếng Chăm. Hơn nữa tiếng Chăm sử dụng trong cuộc sống hằng ngày cũng đã bị pha tạp khiến các em gặp khó khăn trong quá trình tiếp thu và vận dụng kiến thức đã học vào thực tế.
Trước mắt, để khắc phục khó khăn này, trường Tiểu học Lâm Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành tổ chức nhiều lớp dạy tiếng, chữ viết Chăm cho cộng đồng, trước tiên là cho cán bộ thôn, xóm, thầy Thông Văn Đá cho biết thêm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!