Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 232 trường mầm non với 440 điểm trường lẻ, trong đó có hơn 15.000 trẻ mầm non 5 tuổi. Một phần không nhỏ các em học tại các trường, điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, ít có cơ hội được tiếp xúc với tiếng Việt. Do vậy, việc tạo ra một môi trường giúp tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non 5 tuổi trước khi vào lớp 1 được các nhà trường và giáo viên ưu tiên giảng dạy.
Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hòa Cư (huyện Cao Lộc) Hoàng Thị Tới cho biết: Trường hiện có 1 điểm trường trung tâm và 2 điểm trường lẻ với tổng cộng 170 học sinh, số trẻ 5 tuổi là hơn 40 em, 100% học sinh là người dân tộc Tày và Nùng. Các điểm trường lẻ đặt tại thôn bản, thiếu môi trường giao tiếp tiếng Việt nên các cô giáo phải thường xuyên tổ chức các hoạt động để tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho các em nghe, hiểu, giao tiếp với bạn, với cô bằng tiếng Việt. Các lớp học được trang trí nhiều tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi bắt mắt có chú thích bằng chữ cái tiếng Việt để thu hút, gợi trí tò mò của trẻ khi đến lớp.
Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Yên Phúc (huyện Văn Quan), dạy tiếng Việt cho trẻ người dân tộc có nhiều khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn và phát âm chuẩn. Khi phát âm, trẻ thường bị pha giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt dẫn đến bị ngọng, vì vậy giáo viên phải sửa, nhắc lại nhiều lần, diễn tả bằng khẩu hình chậm để trẻ quan sát và nói theo.
Để việc dạy tiếng Việt cho trẻ đạt hiệu quả, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy học sinh vùng dân tộc thiểu số về các phương pháp, kỹ thuật dạy lớp có học sinh, trẻ mầm non dân tộc thiểu số. Từ đó, các thầy, cô giáo có thể xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phù hợp với trẻ.
Kết thúc năm học 2018-2019 có 100% trường mầm non trên địa bàn tỉnh tổ chức học bán trú 2 buổi/ngày với 100% trẻ mầm non 5 tuổi được tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Qua đánh giá cuối năm, 99,9% số trẻ mầm non 5 tuổi được xếp loại đạt và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.
Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Vi Thị Giao cho biết, thời gian tới ngành tiếp tục bổ sung tài liệu, học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi phù hợp cho nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn có trẻ em người dân tộc thiểu số, nhằm giúp các em làm quen với môi trường tiếng Việt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!