Thi tốt nghiệp THPT 2015: Tranh cãi với cách chấm thang điểm 20

Theo TTXVN-Thứ tư, ngày 24/12/2014 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa

Việc Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2015 chuyển từ thang điểm 10 sang điểm 20 lập tức trở thành vấn đề nóng được đông đảo học sinh, phụ huynh quan tâm.

Chuyển từ thang điểm 10 sang điểm 20 là điểm mới nhất vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trong Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2015. Đây lập tức trở thành vấn đề nóng được đông đảo học sinh, phụ huynh quan tâm trong những ngày này.

Có ý kiến băn khoăn với quy định mới trong khi lãnh đạo một số trường trung học phổ thông và đại học lại cho rằng, điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các em.

Lạ lẫm với thang điểm mới

Theo nhiều giáo viên và học sinh các trường, việc chuyển từ thang điểm 10 sang 20 khá lạ lẫm với các em.

Hoàng Tuấn, học sinh trường Trung học phổ thông Bắc Kiến Xương (Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, suốt hơn 10 năm đi học em chỉ quen với thang điểm 10, chưa bao giờ thầy cô chấm trên thang điểm 20.

“Vì thế, em cũng không rõ thang điểm 20 có khác nhiều lắm so với thang điểm 10 hay không. Để đạt điểm cao với thang điểm 20 thì chúng em cần chú ý những điều gì,” Tuấn chia sẻ. Băn khoăn của Tuấn cũng là suy nghĩ chung của khá nhiều học sinh trung học phổ thông.

Thậm chí, không phải học sinh nào cũng hiểu đúng về thang điểm 20. Một số học sinh của trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tưởng lầm 20 điểm là tổng điểm chung của bốn môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp, mỗi môn tối đa 5 điểm.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh cần hiểu đúng thang điểm 20 có nghĩa mỗi môn có điểm số tối đa là 20 điểm, thay vì 10 điểm như hiện nay.

Về những băn khoăn của học sinh trước biểu chấm mới, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Việt Đức cho rằng, học sinh không cần quá lo lắng. Các trường sẽ có hướng dẫn để học sinh làm quen với phương thức chấm thi mới, nhất là việc thực hiện bài thi theo từng bước, từng thao tác để các em có thể dành được số điểm tối đa.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm học, thầy cô có thể cho học sinh làm quen với thang điểm mới thông qua các bài kiểm tra hoặc nhiều trường còn có các kỳ thi thử.

“Ăn” điểm tối đa với thang điểm 20

Với thang điểm 20 sẽ có một đáp án chi tiết với barem điểm cụ thể hơn so với thang điểm 10 hiện nay. Lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng cho rằng điều này sẽ thuận lợi hơn cho các em và nhà trường.

Theo phó giáo sư Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, với thang điểm 20, mức điểm sẽ chi tiết hơn rất nhiều. Cụ thể, khi chấm đáp án, điểm thành phần tối thiểu sẽ là 0,25/20 điểm.

Ông Tú cho rằng, với sự chi tiết đó, thí sinh sẽ có thể “ăn” điểm theo từng ý nhỏ hơn trong quá trình làm bài. Việc đánh giá thí sinh theo đó sẽ chính xác hơn, mức phân loại thí sinh cao hơn. Trường sẽ có thuận lợi hơn trong việc định ra điểm trúng tuyển hợp lý.

Đây cũng là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Hà Nội.

Cùng quan điểm này, phó giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nêu ví dụ, mùa tuyển sinh năm 2014, với mức điểm chuẩn của khoa Toán là 25 điểm thì khoa thiếu 20 chỉ tiêu, tuy nhiên trường không dám hạ xuống 24,5 điểm vì có đến 100 thí sinh đạt mức này.

Cũng theo ông Minh, với thang điểm 20, đáp án và barem điểm sẽ phải chi tiết gấp đôi so với thang điểm 10. “Điều này sẽ khiến đội ngũ ra đề, làm đáp án vất vả hơn, nhưng rất có lợi cho thí sinh, các em làm được đến phần nào sẽ được điểm phần đó,” ông Minh nói.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Việt Đức lại cho rằng, nhìn nhận một cách thực tế, khách quan thì có thể thấy, ở khía cạnh nào đó, học sinh sẽ thiệt thòi.

Phân tích cụ thể hơn, ông Bình cho rằng với thang điểm 20, barem điểm sẽ chi tiết hơn tới từng bước, từng tiểu mục định lượng kiến thức trong bài thi, nhất là thi tự luận. Tuy nhiên, học sinh lại chưa chú ý đến vấn đề này và đã quen với cách làm chỉ chú ý đến kết quả cuối cùng mà không chú trọng quá trình nên dễ mất điểm.

“Tuy nhiên, tôi vẫn ủng chủ trương chuyển thang điểm sang 20 vì chính việc dễ mất điểm này sẽ khiến các em phải cẩn thận hơn trong quá trình làm bài, từ đó dần khắc phục được tính cẩu thả, nhanh ẩu đoảng,” ông Bình chia sẻ.

Nhìn vấn đề rộng hơn, vị hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Việt Đức cho rằng điều này còn có ý nghĩa trong việc góp phần hình thành nhân cách cho học sinh với sự kiên nhẫn, tỷ mỷ, biết coi trọng các chi tiết và kế hoạch trong lộ trình hành động, làm việc. “Chúng ta thường không coi trọng các chi tiết. Đấy cũng là lý do chúng ta luôn không đúng giờ, vỡ kế hoạch trong khi nước ngoài họ có kế hoạch chi tiết đến từng giây, từng phút cho mỗi hoạt động” - ông Bình nói.

Theo ông Mai Văn Trinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang lấy ý kiến đóng góp từ dư luận về dự thảo đổi mới này trước khi ban hành chính thức với quan điểm là làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất và đảm bảo lợi ích tối đa cho học sinh.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước