Thi tốt nghiệp THPT 2020: Trách nhiệm sẽ không phải là quả bóng!

Bích Thủy-Thứ hai, ngày 08/06/2020 05:36 GMT+7

VTV.vn - Với sự "phân vai" rõ ràng trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT, dư luận đang kì vọng: Trách nhiệm sẽ không phải là quả bóng trong mùa thi năm nay.

Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương mình. Đây là điểm mới căn bản trong kì thi tốt nghiệp tốt nghiệp THPT 2020. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chỉ đạo, ra đề thi, song UBND tỉnh, thành phố chủ trì và chịu trách nhiệm tổ chức. Với sự "phân vai" rõ ràng trong công tác tổ chức thi, dư luận đang kì vọng: Trách nhiệm sẽ không phải là quả bóng trong mùa thi năm nay.

Một học sinh đi thi, nhiều ngành, nhiều cấp chia trách nhiệm

"UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương", nội dung này một lần nữa được ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định lại trong hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu về tổ chức thi tốt nghiệp THPT tổ chức ngày 5/6.

Thi tốt nghiệp THPT 2020: Trách nhiệm sẽ không phải là quả bóng! - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu về tổ chức thi tốt nghiệp THPT

Cụ thể UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo kỳ thi tại địa phương, giao nhiệm vụ cho Sở GD&ĐT và các cơ quan, ban ngành. Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm trực tiếp ở các khâu đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi, điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi, thành lập hội đồng thi, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi... Gánh trách nhiệm cao nhất trong kì thi nên đến thời điểm này, các địa phương cũng đã gấp rút chuẩn bị.

Với 80.000 thí sinh dự thi, tăng gần 2.000 so với năm ngoái, Hà Nội hiện đã lên kế hoạch bố trí hơn 3.300 phòng thi và huy động 8.700 cán bộ, giáo viên coi thi, 1.300 cán bộ phục vụ. Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: "Năm nay, UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện ở kỳ thi nên chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng".

Còn lãnh đạo ngành giáo dục Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thông tin địa phương này đang cụ thể hóa nhiệm vụ bằng những tính toán cụ thể nhất: "Quảng Nam có 18 đơn vị cấp huyện thì tới 9 huyện là miền núi, trung du nên việc bố trí điểm thi rất quan trọng. Chúng tôi phải tính toán đến cả những ảnh hưởng của thời tiết bởi tháng 8 có thể xảy ra nhiều lũ quét, mưa lớn".

Tăng cường tự chủ của các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi, trách nhiệm luôn đi kèm với chế tài. Năm nay, địa phương nào để xảy ra sai phạm, Chủ tịch tỉnh, trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tại địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm nặng nề đã có địa phương gánh vậy có hay không việc Bộ Giáo dục và Đào tạo buông xuôi hay khoán trắng?

Trao đổi về trách nhiệm trong tổ chức kỳ thi, ông Phùng Xuân Nhạ cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT có liên quan đến rất nhiều bộ ngành, trong đó có Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ… mà trách nhiệm lớn vẫn thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo:

"Đó là chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các Hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Tăng cường thanh tra 3 cấp

Rõ ràng Trách nhiệm sẽ không phải là quả bóng trong mùa thi này. Một học sinh đi thi sẽ có nhiều ngành, nhiều cấp từ trung ương đến địa phương chung vai đồng hành cùng các em. Khẳng định tinh thần không buông xuôi, khoán trắng cho các địa phương, năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường trách niệm trong vai trò quản lý thông qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tăng cường các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là khâu thanh tra với sự tham gia của "ba cấp" gồm: Thanh tra của Bộ GD&ĐT, Thanh tra tỉnh và Thanh tra thuộc Sở GD&ĐT. Đáng chú ý, kỳ thi năm nay là ngoài thanh tra cấp sở và bộ, sẽ có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh. Trong đó, Thanh tra Chính phủ sẽ cử đại diện tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia.

Thi tốt nghiệp THPT 2020: Trách nhiệm sẽ không phải là quả bóng! - Ảnh 2.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao đổi về công tác thanh tra thi tốt nghiệp THPT

Ngay cả các trường đại học, năm nay dù không được huy động trực tiếp coi thi, chấm thi nhưng cán bộ, giảng viên các trường đại học sẽ có mặt trong các đoàn thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi như chuẩn bị kỳ thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, chấm thi phúc khảo. Theo đó, mỗi điểm thi, tùy quy mô số lượng phòng thi, có ít nhất 3 cán bộ giảng viên đại học làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.

Được xác định là kì thi nhẹ nhàng hơn cho thí sinh so với các năm trước đây nhưng rõ ràng với việc thanh tra 3 cấp cùng vào cuộc cho thấy vai trò, ý nghĩa của kì thi không hề giảm sút. Tuy nhiên nhiều đại biểu tham gia hội nghĩ cũng bày tỏ lo ngại: khi lực lượng thanh tra gồm 3 cấp Bộ, tỉnh, sở liệu có chồng chéo, dẫm chân: Lãnh đạo Bộ khẳng định sẽ sớm ban hành hướng dẫn công tác thanh tra, trong đó đảm bảo 5 rõ: rõ nhiệm vụ, rõ thẩm quyền, rõ mục tiêu, rõ phương pháp và rõ trách nhiệm.

Ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phân tích: "Nội dung nào thanh tra Bộ, tỉnh, sở sẽ được xác định rõ, thanh tra tỉnh phải nghiêm cứu kỹ quy chế, trên cơ sở đó tham mưu tổ chức thanh tra nội dung gì, không vi phạm luật, không chồng chéo. Dù 3 cấp thanh tra hoạt động độc lập nhưng vẫn có sự phối hợp với nhau giữa 3 cấp cũng như với lực lượng tham gia công tác thi khác".

Đặc biệt, cán bộ thanh tra sau khi tham gia tập huấn sẽ phải được test lại để đảm bảo đạt yêu cầu mới cho tham gia. Điều này đòi hỏi việc phân nhiệm cán bộ từ các cơ sở đại học và địa phương phải được chọn lựa kỹ.

"Tránh một lỗ thủng nhỏ đánh đắm cả con tàu"

Trên thực tế rõ ràng đến thời điểm này, kỳ thi không chỉ đơn thuần là để công nhận tốt nghiệp THPT mà vẫn là căn cứ chủ yếu để các trường đại học thực hiện công tác tuyển sinh. Năm học tới, trường Đại học kinh tế quốc dân vẫn dành tới 60% chỉ tiêu lấy từ kết quả điểm thi THPT. Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: "Ngay cả 40% còn lại chúng tôi vẫn dựa trên kết quả thi bởi vì xét tuyển tốt nghiệp chúng tôi vẫn dựa trên hồ sơ kết hợp với điểm thi chính vì thế kì thi rất quan trọng, chúng tôi kì vọng sẽ được tổ chức công bằng minh bạch".

Chính vì tầm quan trọng của kì thi không hề giảm đi nên nguy cơ từ gian lận thi cử vẫn có thể rất cao. Từ khi công bố phương án thi THPT năm 2020 đến nay, phụ huynh, xã hội vẫn chưa thôi lo ngại về việc đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch của kì thi này. PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII chia sẻ tâm tư chung của nhiều phụ huynh năm nay: "Khi mà giao về các địa phương thì phải minh bạch như nhau, quy trình chuẩn như nhau nếu không tôi rất lo ngại sẽ có chất lượng giữa các địa phương sẽ rất khác nhau trong quá trình thi và xét tốt nghiệp".

Thi tốt nghiệp THPT 2020: Trách nhiệm sẽ không phải là quả bóng! - Ảnh 3.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị

Tránh một lỗ thủng nhỏ đánh đắm cả con tàu", như các mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ví von, để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, nhiều giải pháp bịt lỗ hổng phát sinh tiêu cực cũng được triển khai. Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng cho biết: Năm nay, Bộ thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập ở bậc THPT của thí sinh.

Đây là bước quan trọng phản ánh chất lượng dạy học ở từng địa phương. Đồng thời cũng giúp phát hiện ra những nơi có bất thường để kiểm tra, đánh giá. Điểm mới ấn tượng này được Bộ GD-ĐT kì vọng :đây sẽ là một trong những chỉ số để kiểm soát tính nghiêm túc trong việc tổ chức thi cũng như đánh giá thường xuyên ở trường phổ thông.

Còn ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân thì tin rằng: Dù bộ không công bố thì những năm gần đây báo chí và dư luận xã hội thực sự đã giám sát hiệu quả vấn đề này. Do đó, các trường đại học hoàn toàn có thể lạc quan về chất lượng tuyển sinh đầu vào năm nay từ điểm thi tốt nghiệp.

Việc chuẩn bị cho kì thi mới diễn ra trong bối cảnh những vụ gian lận thi cử rúng động năm 2018 được xét xử và rất nhiều cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi đã vướng vòng lao lý càng cho thấy dù có nhiều giải pháp kỹ thuật, nhưng yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất.

Ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nhấn mạnh: Dù quy chế chưa bắt buộc, nhưng kinh nghiệm là khi lựa chọn cán bộ, các địa phương nên phối hợp với lực lượng công an để xác minh, lựa chọn được những cán bộ tốt nhất tham gia tổ chức kỳ thi. Trong quá trình tập huấn công tác tổ chức thi, thanh tra thi, Bộ GD&ịĐT cũng sẽ nâng cao yêu cầu, đòi hỏi mỗi cán bộ được lựa chọn tham gia kỳ thi phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình.

Thi tốt nghiệp THPT 2020: Tăng cường thanh tra 3 cấp Thi tốt nghiệp THPT 2020: Tăng cường thanh tra 3 cấp CHÍNH THỨC: Bộ GD&ĐT công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 CHÍNH THỨC: Bộ GD&ĐT công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 CHÍNH THỨC: Ấn định ngày thi tốt nghiệp THPT 2020 vào 9-10/8 CHÍNH THỨC: Ấn định ngày thi tốt nghiệp THPT 2020 vào 9-10/8


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước