TP Hồ Chí Minh: Lúng túng với F0, F1 trong trường học

Hoài Linh-Chủ nhật, ngày 20/02/2022 11:29 GMT+7

Học sinh được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào trường (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Tuần học đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh cho thấy cho thấy sự lúng túng trong việc xử lý các ca nhiễm cũng như đảm bảo duy trì học tập cho học sinh là F0, F1.

Tuần đầu tiên, toàn bộ học sinh từ mầm non, tiểu học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh quay trở lại trường học. Ngoại trừ bậc mầm non chỉ có hơn 66% số trẻ tới trường, các bậc từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, số học sinh đi học trực tiếp khá cao, lần lượt đạt gần 96%, 97% và 99%. Số ca nhiễm COVID-19 cũng được ghi nhận tăng lên theo từng ngày.

Cứ có F0 là nghỉ 14 ngày, có khi nghỉ cả học kỳ

Ngay trước ngày đi học, cô con gái mới vào lớp 1 mà chưa được tới trường ngày nào của chị L.N. ở quận 7 được xác định dương tính với COVID-19. Cháu và các anh được báo phải ở nhà đủ 14 ngày mới được tới trường.

Chị V.N. có con thứ hai đang học tại một trường quận 7 cũng rối bời sau khi phát hiện con nhỏ bị dương tính, cả lớp phải chuyển học online. Cô con gái lớn là F1 cũng phải nghỉ theo em.

Cùng cảnh ngộ, anh D.H. có con gái đang học lớp 3 tại một trường trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Vừa đi học đến ngày thứ ba, do trong lớp có bạn bị nhiễm COVID-19 nên phụ huynh chưa kịp đi làm đã bị gọi tới đón con về. Gia đình được thông báo các con sẽ tiếp tục học online trong vòng 14 ngày, theo yêu cầu của ngành giáo dục.

Có phụ huynh đã đưa ra phép tính vui: Lớp có 20 học sinh, nếu cứ mỗi cháu bị nhiễm lại phải ở nhà 14 ngày, chỉ cần 10 cháu nhiễm đã phải nghỉ 140 ngày, tương đương với 4,5 tháng. Bằng một học kỳ.

TP Hồ Chí Minh: Lúng túng với F0, F1 trong trường học - Ảnh 1.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ (Ảnh minh họa: TTXVN)

Cách ly sau khi phát hiện F0: Độ vênh lớn giữa ngành giáo dục và y tế, giữa Bộ và Sở và bản thân trường học

Cuối tháng 1, Bộ Y tế đã điều chỉnh thời gian cách ly với F0 xuống còn 7 ngày nếu test nhanh âm tính. Nhưng có vẻ, các quy định của ngành y chưa xuống được tới trường học!

Theo hướng dẫn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế, học sinh F1 đều phải ở nhà để theo dõi sức khỏe và tiến hành xét nghiệm. Với học sinh F1 đã tiêm đủ liều vaccine là không quá 7 ngày, sau đó đi học lại nếu xét nghiệm ngày 7 âm tính. Trong khi đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh lại quy định cho trường hợp này tiếp tục đến trường.

Thế nhưng, như con gái chị V.N. dù đã tiêm 2 mũi vaccine, bộ phận y tế của trường lại thông báo phải ở nhà 14 ngày. Trong khi đó, cũng tại quận 7, nhiều trường lại chấp nhận cho học sinh không may thành F0, F1 được quay trở lại học sau 7 ngày nếu đã xét nghiệm âm tính.

Kéo dài thời gian cách ly không cần thiết: Áp lực cho học sinh

Câu hỏi mà chị L.N. phải trả lời các con nhiều nhất trong những ngày này là bao giờ con được trở lại trường? Tại sao Bộ Y tế quy định F0 chỉ cần cách ly 7 ngày mà các con phải nghỉ 14 ngày? Chị V.N phải tìm mọi cách xoa dịu con.

"Con tôi đã không được tới trường gần 1 năm. Đi học trực tiếp 2 ngày, thấy con vui lắm! Giờ phải tìm cách động viên chứ bạn ý thất vọng ghê gớm", chị L.N cho biết.

Việc phải nghỉ ở nhà 14 ngày do là F0, F1 đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý của trẻ. Chưa kể, cũng ảnh hưởng lớn tới việc học tập của học sinh, đặc biệt nếu lỡ rơi vào cảnh là F1 của người thân, bởi khi đó, các bạn cùng lớp vẫn tới trường.

Như các con chị L.N., dù trường thông báo sẽ gửi bài giảng và bài tập lên Google Classroom, các con tự xem và làm rồi nộp cho giáo viên. Nhưng đầu tuần gần như không có giáo viên đăng bài. Sau nhiều lần liên lạc với trường, chị L.N. được thông báo là từ tuần thứ hai, con sẽ được gặp giáo viên hỗ trợ riêng trong 2 tiết, cho gần chục môn học.

Khá thất vọng với sự chậm trễ, thiếu chủ động của nhà trường dù trường học có rất nhiều thời gian trước đó để lên các phương án, đảm bảo việc học tập liên tục của các con. Chị chia sẻ: "Tôi rất thương khi thấy con ngồi cập nhật liên tục chờ thầy cô đăng bài. Cảm giác như con mình, không may thành F1 của em, mà bị bỏ quên mất".

Cần bình thường mới cho chính các học sinh và gia đình

Trong đơn khiếu nại và kiến nghị khẩn cấp để cho trẻ em đến trường bình thường gửi đến các Lãnh đạo thành phố cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo, anh D.H. ở Thủ Đức chỉ rõ bất cập hiện nay: "Người được xác định là F1 vẫn đi làm, tham gia các hoạt động xã hội bình thường… Có thể nói việc không cho đến trường là hành vi đối phó vô nghĩa, không có giá trị phòng dịch với toàn xã hội. Việc buộc học sinh phải ở nhà là trái với chủ trương sống chung với dịch, thích ứng với trạng thái bình thường mới để phục hồi kinh tế".

Vị phụ huynh này cho rằng việc buộc các học sinh tiếp xúc với bạn cùng lớp nhiễm COVID-19 phải chuyển sang học online cũng đồng thời gây thiệt hại lớn cho các gia đình, khi phụ huynh không thể đi làm, khó lên kế hoạch cho công việc, phục hồi kinh tế gia đình sau một thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh.

Do vậy, mong muốn lớn nhất của rất nhiều bậc phụ huynh lúc này là những ca nhiễm COVID-19 trong trường học sẽ được xử lý đúng quy định của Bộ Y tế: Ca nào nhiễm thì ở nhà, cách ly đúng thời gian quy định. Ca nào không nhiễm, được đi học bình thường. Có như vậy, cuộc sống mới thực sự là bình thường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước