Đạt 29 điểm vẫn trượt ngành "hot"
Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn đối với tổ hợp C00 vào ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục đứng ở ngưỡng tối đa 30/30 điểm năm thứ hai liên tiếp, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Một số lý do chính khiến điểm chuẩn ngành hàn Quốc học cao như vậy là bởi chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Hàn Quốc học rất thấp. Trong tổng số 50 chỉ tiêu thì đã có 15 thí sinh được xét tuyển thẳng theo chứng chỉ quốc tế, giải thưởng quốc gia… Như vậy chỉ còn 35 chỉ tiêu cho xét tuyển từ điểm thi THPT.
Số lượng nguyện vọng cao (gần 1.800 chỉ tiêu đăng ký vào ngành Hàn Quốc học chia cho 35 chỉ tiêu còn lại, nên tỉ lệ cạnh tranh trung bình của các tổ hợp lên đến ngưỡng hơn 51 nguyện vọng lấy đỗ 1, đối với tổ hợp C00 thì tỉ lệ cạnh tranh còn cao hơn).
Thêm nữa, điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước khiến điểm tổng (sau khi cộng điểm ưu tiên, tối đa lên đến 2,5 điểm đối với thí sinh người thiểu số ở KV1) của các em vượt qua ngưỡng 30/30. Trong thực tế, không có thí sinh nào đạt điểm thi tối đa 30/30 mà do được cộng điểm ưu tiên nên mới đạt hoặc vượt ngưỡng 30/30".
Trường ĐH Ngoại thương năm nay, mức điểm thấp nhất vào trường là 28,05 của tổ hợp A00. Điểm trúng tuyển của các ngành tuyển sinh tại Cơ sở Quảng Ninh (ngành Kế toán, ngành Kinh doanh quốc tế) cho các tổ hợp A00, A01, D01, D07 đều là 24 điểm. Được biết, trường ĐH Ngoại thương năm nay thực hiện tuyển sinh đại học chính quy theo 6 phương thức và phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT là 1 trong 6 phương thức này.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm nay có 3 ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là IT1, IT2 và IT-E10 đều trên 28 điểm. Đặc biệt 68% thí sinh đạt 29 điểm trở lên 3 môn tổ hợp A00 và A01 trên Toàn quốc trúng tuyển ngành khoa học máy tính Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Với chỉ tiêu 300, điểm chuẩn IT1 là 28,43 điểm.
Năm nay, điểm chuẩn các trường khối công an cũng tăng cao so với năm trước từ 2- 3 điểm, mức điểm từ 24 đến trên 28 điểm. Theo đó, điểm chuẩn cao hơn năm trước, đối với nữ, mức điểm chuẩn lên tới 29,99 điểm.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm nay điểm chuẩn được chia theo hai thang điểm 30 (điểm chuẩn từ 17,25 điểm - 28,6 điểm) và thang điểm 40 (điểm chuẩn từ 33,4 điểm - 38,07 điểm). Chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện tổ hợp C15 (Toán, Văn, Khoa học xã hội) lấy 28,6 điểm tiếp đó là chuyên ngành Báo Truyền hình tổ hợp R16 (Ngữ văn, Điểm xét ngành báo chí, Khoa học xã hội) lấy 28 điểm trong thang điểm 30.
ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, Ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất là 28,20. Đại học Y Hà Nội ngành Y khoa cao nhất là 28,85 điểm. Trường ĐH Luật Hà Nội, ngành Luật Kinh tế cao nhất đạt 29,25 điểm...
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), năm nay ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) với 28 điểm.
Do điểm thi tốt nghiệp cao, nhiều phương thức tuyển sinh
Trao đổi với Dân trí, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, điểm chuẩn vào các trường đại học năm 2021 tăng ở hầu hết các ngành đào tạo. Điều này đã được dự báo ngay từ khi có kết quả kỳ thi THPT, nên khi các trường công bố điểm chuẩn vào tối ngày 15/9, thí sinh và phụ huynh không quá bất ngờ.
GS Tuấn phân tích, phổ điểm năm nay có xu hướng tăng nhiều hơn ở các tổ hợp xét tuyển thuộc khối C và khối D truyền thống.
Điểm chuẩn năm 2021 tăng có thể xét đến một số các lý do chính sau đây: Thứ nhất, phổ điểm thi THPT năm 2021 tăng nhẹ ở các môn thuộc khối C và khối D nên đương nhiên điểm chuẩn đại học tăng là điều dễ hiểu.
Thứ hai, các trường đại học ngày càng gia tăng các hình thức xét tuyển ngoài kết quả thi THPT, ví dụ như xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng thông qua các chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng quốc tế và quốc gia, thi đánh giá năng lực…
Việc gia tăng tỉ trọng xét tuyển như trên khiến chỉ tiêu các trường đại học dành cho xét tuyển từ kết quả THPT giảm xuống. Phổ điểm thi THPT tăng lên trong khi chỉ tiêu dành cho xét tuyển kết quả thi THPT giảm xuống thì điểm chuẩn tăng lên là điều có thể hiểu được.
Thứ ba, diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến kế hoạch du học của nhiều thí sinh bị đình trệ; thí sinh chọn giải pháp học tập trong nước. Các em đều có ngoại ngữ tốt nên điểm thi vào các tổ hợp khối D cao.
"Điểm chuẩn cao đột biến chỉ xảy ở một số ngành, chứ không phủ khắp tất cả các ngành và chương trình đào tạo" - GS Tuấn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, nguồn tuyển thí sinh điểm cao năm nay dồi dào hơn năm trước. Một số trường như ĐH Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Học viện Tài chính... đã tuyển nhiều sinh viên qua các phương thức xét tuyển khác nhau, số chỉ tiêu dành cho phương thức xét theo điểm thi THPT giảm nhiều do đó đẩy điểm chuẩn lên.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, điểm chuẩn tăng có 2 lý do, điểm thi tốt nghiệp cao hơn năm trước, thí sinh tăng số nguyện vọng xét tuyển nhiều lên, tập trung vào các trường top, ngành hot.
Còn theo TS. Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Thủy Lợi, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến điểm chuẩn các trường tăng cao. Đó là, số lượng thí sinh năm nay đông hơn những năm trước; Tổng chỉ tiêu của toàn hệ thống đại học không tăng; Phổ điểm kỳ thi THPT năm 2021 cao hơn những năm trước.
GS.TS Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, do kỳ thi THPT không còn mục tiêu 2 trong 1, chỉ phục vụ thi THPT là chính nên đề dễ hơn so với yêu cầu thi tuyển vào ĐH. Từ đó đặt ra yêu cầu các trường top phải có kỳ thi riêng như Đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia đang làm để phục vụ tuyển sinh. Tuy điểm cao như vậy, nhưng một số ngành khoa học cơ bản của các trường đại học lớn vẫn "ì ạch". Như vậy, cho thấy các trường này phải tự đổi mới để đáp ứng yêu cầu của xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!