Cách làm truyền hình mới Là một trong ba chương trình theo ngày (Có gì mới sáng nay lúc 7h, Bữa trưa vui vẻ lúc 12h và Thư viện cuộc sống lúc 18h) của Ban Thanh thiếu niên - VTV6, Bữa trưa vui vẻ chính thức lên sóng từ 12h ngày 01/01/2014.
Từ những số đầu tiên, chương trình đã nhận được những phản hồi tích cực của khán giả về cách làm truyền hình sáng tạo, thay đổi tư duy bảo thủ về khung giờ phát sóng một chương trình giải trí dành cho giới trẻ. Chương trình thực sự đã tạo ra một "trào lưu" xem truyền hình mới, khi mà các phương tiện di động kết nối internet đang bùng nổ. Với tiêu chí “Giải trí mọi lúc mọi nơi”, Bữa trưa vui vẻ thực sự mở ra một hướng xem truyền hình hoàn toàn mới mẻ.
‘ Để có được “bữa trưa” vui vẻ với người nổi tiếng, khán giả chỉ cần một thiết bị kết nối internet, dù bạn ở bất kì đâu cũng có thể đặt lịch với những người làm chương trình. Đặc biệt, người xem sẽ có quyền giúp những thần tượng của họ giành phần thắng cuộc khi cùng tham gia chơi qua màn hình ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính.
Đạo diễn Hoa Thanh Tùng cho biết: “Từ khi lên format cho chương trình, chúng tôi đã hướng tới sự khác biệt, đó là người nổi tiếng đến với Bữa trưa vui vẻ không được biết và không có bất kì sự chuẩn bị nào về nội dung cuộc trò chuyện. Khán giả có thể đặt hàng nhân vật mà họ yêu thích cho các chương trình tiếp theo qua trang fanpage. Điều này tạo nên sự tương tác lớn giữa khán giả và khách mời cũng như những người làm truyền hình”.
Anh cũng cho biết, trong những chương trình gần đây, Bữa trưa vui vẻ còn thực hiện thêm cách tương tác mới, phát động khán giả chụp ảnh có hình chương trình đang diễn ra, ngay lập tức đẩy lên trang fanpage và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.
‘ Chương trình đã và đang trở thành người bạn thân thuộc với khán giả trên cả nước. Hiện trang fanpage chính thức của chương trình tại địa chỉ https://www.facebook.com/Buatruavuive đã thu hút gần 44.000 lượt yêu thích và chia sẻ hàng ngày của khán giả. Chương trình đã vượt qua “người anh em” Có gì mới sáng nay
lên sóng trước đó gần một năm về lượng người yêu thích trên trang fanpage.
Cũng theo thống kê từ những người làm chương trình, mỗi giờ lên sóng của Bữa trưa vui vẻ đã thu hút hàng nghìn người truy cập vào trang fanpage. Đặc biệt, cuối chương trình, MC còn có thể công bố chính xác số người đang dõi theo chương trình trên thế giới qua hệ thống google.
Chuyện bếp núc của Bữa trưa vui vẻ
Nếu bạn bước vào trường quay S10 của Đài Truyền hình Việt Nam lúc 11h có thể cảm nhận ngay được không khí làm việc tất bật của ê kíp sản xuất chương trình. Trên sóng chúng ta chỉ thấy 3 người xuất hiện (MC, khách mời và DJ) thì đằng sau những hình ảnh ấy là cả một đội ngũ gần 20 người gồm: các đạo diễn, biên tập, kĩ thuật viên.
Việc lên sóng trực tiếp hàng ngày vào khung giờ đặc biệt (12h) buộc cả ê kíp phải căng sức để làm việc. Từ những việc nhỏ nhất như tiếp đón khách mời, ghi lại phản hồi của khán giả trên trang fanpage, đến công việc cần sự bao quát là đạo diễn chương trình đều cần sự tập trung cao độ. Và đương nhiên, để phục vụ “bữa trưa” vui vẻ tới khán giả, họ chỉ được ăn trưa sau 13h.
‘ Đạo diễn Hoa Thanh Tùng chia sẻ: “Với một chương trình mang tính tương tác cao, chúng tôi phải làm việc rất chi tiết. Đạo diễn là người dõi theo diễn biến câu chuyện trên trường quay và phải lường trước tình huống sẽ xảy ra để kịp thời điều chỉnh MC. Người dẫn cũng phải hết sức nhanh nhạy và linh hoạt để chuyển, ngắt sao cho ngọt mà không bị hẫng”.
Là chương trình tương tác, nên những người thực hiện đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Điều đầu tiên có thể kể đến là yếu tố khách mời. Mỗi ngày mời một nhân vật nổi tiếng đã khó, nhưng khó hơn là khi họ đến muộn hoặc không thể đến để lên sóng vì lí do khách quan. Chương trình sẽ xử lí ra sao? “Tất nhiên, như một nhà hàng sang trọng, khi khách đã đến không thể thiếu món ăn ngon để phục vụ” – Đạo diễn Hoa Thanh Tùng hài hước.
‘ Nhưng việc lựa chọn những “món ăn” thay thế trong trường hợp này không hề đơn giản và luôn cần sự tính toán chu đáo của những “đầu bếp”. Ngoài ra, việc thực hiện chương trình khi không được phép trao đổi với khách mời về nội dung cuộc trò chuyện, đòi hỏi đạo diễn, MC luôn phải có những ứng phó vô cùng linh hoạt thì mới đảm bảo sóng an toàn.
Thêm nữa, bối cảnh ghi hình trong trường quay, buộc chương trình cũng tạo nên áp lực về sự sáng tạo, họ phải thường xuyên đổi mới cách bắt đầu câu chuyện để mang đến cảm giác mới mẻ cho người xem.
Bữa trưa vui vẻ là một trong số ít chương trình áp dụng cách thức làm truyền hình mới trong thời kì bùng nổ công nghệ. Cho dù mạng 3G chưa phổ cập toàn dân, lượng khán giả kết nối với chương trình vẫn còn hạn chế, nhưng không vì thế mà cản trở những người làm chương trình tiếp tục khai phá một mảnh đất mới.