Những con số “đột biến”
Lần thứ ba trở lại Điện Biên, với tính chất và quy mô hoàn toàn khác, ban tổ chức đã lựa chọn 4 đơn vị ở vùng sâu, vùng xa và nhạy cảm về văn hóa, kinh tế, chính trị tham gia. Gồm 2 đơn vị thuộc BCH bộ đội biên phòng Điện Biên là đồn biên phòng A Pa Chải và đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang, 2 đơn vị thuộc bộ chỉ huy quân sự Điện Biên là Ban chỉ huy quân sự huyện Mường Nhé và Đoàn kinh tế quốc phòng 379.
Mỗi đơn vị đã mang đến chương trình nhiều màu sắc đa dạng, phong phú của các huyện miền núi tỉnh Điện Biên thông qua các trò chơi và tiết mục thể hiện.
Dải chương trình về Điện Biên lần này được đầu tư khá công phu. Lực lượng sản xuất khoảng 68 người được huy động từ các bộ phận của VTV. Thiết bị cũng được đầu tư tốt nhất như ray cẩu, xe màu và những máy quay nhỏ, chuyên dụng hỗ trợ đều được đưa lên Điện Biên. Bên cạnh đó là lượng lớn khách mời, cổ động viên và khán giả.
Sự xuất hiện trực tiếp và bất ngờ của Tư lệnh quân khu 2, Trung tướng Dương Đức Hòa tại sân khấu đã khiến những người làm chương trình không khỏi cảm động. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, đồng chí Phạm Xuân Kôi và lãnh đạo Tỉnh ủy, Sở Công an, Sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng và Ban Quản lí khu di tích danh lam thắng cảnh Điện Biên cũng trực tiếp tham dự các buổi ghi hình.
Các đơn vị huy động lực lượng cổ động viên tại sân khấu lên đến 300 chiến sĩ trong mỗi chương trình và được luân phiên lựa chọn từ rất nhiều đơn vị.
Nhiều khách du lịch nước ngoài vì không rõ quy định ghi hình xuất hiện lên sân khấu tượng đài chiến thắng chụp ảnh khiến thời gian ghi hình đôi lúc bị gián đoạn, hay khách tham quan tràn vào sân khấu chỉ để ngắm MC và máy quay vì tò mò.
Tuy vậy, sự “phiền nhiễu” ấy lại khiến nhóm làm chương trình cảm thấy vui bởi hiệu ứng chương trình mang lại không hề nhỏ.
‘ Lần thứ ba quay trở lại Điện Biên trong một không khí quá gấp gáp và bận rộn bởi những hoạt động chuẩn bị kỉ niệm 60 năm ngày chiến thắng. Tuy nhiên, trong cuộc họp được báo gấp rút, tất cả ban ngành của tỉnh đã họp rất nghiêm túc với bên quân đội và Đài TH.
Điều đó cho thấy một sự phối hợp chặt chẽ và kỉ luật, cũng vì trách nhiệm chung đối với một sự kiện lịch sử. Thêm nữa, sự xuất hiện của lãnh đạo các ban ngành trong tất cả các buổi ghi hình đã minh chứng tinh thần trách nhiệm, ý thức của những con người nơi đây.
Để phục vụ công tác tuyên truyền, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho Đài PT - TH Điện Biên tiếp tục phát lại nhiều lần các chương trình Chúng tôi là chiến sỹ tại Điện Biên sau khi được phát sóng trên VTV3.
Chuyện chưa kể về vùng đất hoa ban
Chuyến công tác Điện Biên Phủ của nhóm làm chương trình Chúng tôi là chiến sỹ kéo dài trong vòng 1 tuần lễ. Thông thường, đối với những đơn vị có địa bàn quá xa xôi, điện thoại, internet, email, youtube… là những phương tiện hữu hiệu và đắc dụng của nhóm làm Chúng tôi là chiến sỹ.
Thế nhưng, đối với các đơn vị ở Điện Biên lần này, các phương tiện ấy gần như bị vô hiệu hóa. Thậm chí, sóng điện thoại cũng rất phập phù, mỗi lần gọi điện cho các đơn vị đều phải hẹn giờ rất vất vả. Phần nữa, do tính chất vùng miền, nhiều đồng chí sử dụng phương ngữ nên thời gian hướng dẫn qua điện thoại cũng mất thời gian hơn rất nhiều so với các đơn vị khác.
‘ Trao đổi qua điện thoại đã vậy, việc duyệt chương trình cũng phải đi theo một hướng khác. Hầu hết các đơn vị khi xem trên sóng đều cảm thấy choáng ngợp về quy mô và ngay lập tức xin rút vì không thể tự làm được.
Công tác chuẩn bị cho chương trình được nhóm Chúng tôi là chiến sỹ đặt hàng qua các biên đạo cũng là người trong quân đội và rất am hiểu tính chất vùng miền. Không chỉ động viên, chia sẻ kinh nghiệm và cử biên đạo đến tận nơi để giúp đỡ, nhóm Chúng tôi là chiến sỹ cũng giúp họ dàn dựng từ thu âm, hòa âm phối khí, lựa chọn tiết mục, thống nhất nội dung và cùng các đơn vị đi vào luyện tập.
Trong một tháng chuẩn bị, tuần cuối cùng là tuần cao điểm của các đơn vị và nhóm làm Chúng tôi là chiến sỹ. Có mặt trước khi ghi hình 4 ngày, sau ngày đầu tiên họp toàn bộ về công tác chỉ đạo, những ngày tiếp theo nhóm sản xuất tập luyện không ngừng nghỉ với từng đơn vị.
Địa hình trắc trở, các đơn vị lại đóng quân rất xa, để đến được địa điểm tập, họ phải đi bộ một đến hai ngày trời. Có chiến sĩ lặn lội hai ngày trời, trèo đèo lội suối nhưng đến nơi tập lại… quên cầm theo nhạc. Chưa kể, tập được hai ba buổi, họ lại phải về để phục vụ huấn luyện chiến đấu.
Chương trình liên tục bị giãn về tiến độ. Các BTV cũng chẳng khác nào biên đạo múa, khản cổ chỉnh sửa từng động tác chân, tay cho từng người. Khoảng thời gian tập luyện này tuy vất vả nhưng lại giúp nhóm sản xuất thu thập thêm nhiều kỉ niệm vui và đáng nhớ.
‘ Không thể không nhắc đến những hình ảnh rất đẹp của dải chương trình Điện Biên lần này. Sân khấu của chương trình được thiết kế ở trên đỉnh đồi hút gió và được nới rộng dựa vào địa bàn, gối lên toàn bộ khu vực bậc thang, lối đi.
Sự trần xì, khô khan, chất phác tại địa bàn kết hợp với sân khấu vô tình tạo nên một hình ảnh rất đẹp và nhuần nhuyễn. Nhóm dựng sân khấu phải làm việc vô cùng vất vả trong đêm, bê từng chiếc bàn, chiếc ghế từ dưới lên.
Bù lại, hình ảnh chương trình trở nên ấn tượng bởi những góc máy cao của ray cẩu, hình ảnh toàn cảnh của thành phố Điện Biên và không khí nhộn nhịp được đưa vào sân khấu qua biểu tượng từ đỉnh cao nhất nhìn xuống. Ít người biết, để có tiền cảnh những bông hoa ban trong chương trình, nhóm Chúng tôi là chiến sỹ đã phải cử một tổ đạo cụ gọi đùa là… tổ hoa ban.
Công việc của họ chỉ chuyên chuẩn bị và chăm sóc cho các nhánh hóa ban luôn tươi nhằm tăng yếu tố nghệ thuật trên sân khấu. Những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nhưng được ê kíp đặc biệt để ý để làm nổi bật “chất” của từng chương trình tại mỗi địa phương họ đến.
‘ Điều kiện về đời sống kinh tế tại các huyện miền núi Điện Biên còn nhiều khó khăn vất vả, nhóm làm chương trình không muốn phiền thêm đơn vị nên giải pháp ưu việt nhất là... ba cùng với dân.
Nhưng dường như, càng thấm sự vất vả khi tác nghiệp, họ càng thấu hiểu hơn cuộc sống của những người lính nơi đây. Đối với họ, dải chương trình Điện Biên không chỉ là những chương trình mang ý nghĩa chào mừng một sự kiện lịch sử mà nó còn thỏa mãn mong muốn của nhóm sản xuất.
Hơn ai hết, tại mỗi địa bàn ghé chân, họ đều muốn cố gắng tìm tòi và khai thác những nét mới để mỗi tuần, khán giả của Chúng tôi là chiến sỹ lại được thưởng thức một món ăn khác lạ, độc đáo.