Sáng tạo "Format Việt": Cái khó ló cái hay

Thu Huệ-Thứ hai, ngày 02/09/2013 16:00 GMT+7

BTV Thùy Anh là người tham gia khâu viết khung kịch bản cho nhiều trò chơi truyền hình trên VTV6, chị sẽ chia sẻ với độc giả VTV News những câu chuyện "bếp núc" của công  việc sáng tạo nên "Format Việt".

Trong bối cảnh các game show mua bản quyền từ nước ngoài có rất nhiều lợi thế, những biên tập viên của VTV, đặc biệt là VTV6 vẫn không ngừng sáng tạo ra những chương trình "made in Vietnam" hấp dẫn, thu hút khán giả. Cuộc trò chuyện của VTV News với BTV Thùy Anh của Ban Thanh thiếu niên sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về quá trình sáng tạo nên "format Việt" như thế nào.

Là người tham gia viết kịch bản cho các format các cuộc thi thương hiệu Việt của VTV6 như: Cầu vồng, Tuổi 20 hát… chị có thể chia sẻ về quy trình từ ý tưởng tới khi hoàn chỉnh một khung kịch bản cụ thể là như thế nào không?

BTV Thùy Anh: Một chương trình truyền hình phải trải qua rất nhiều công đoạn trước khi đến được với khán giả. Khi có một ý tưởng về một chương trình mới, các biên tập viên thường ngồi lại với nhau, cùng "bão não" để ra được một format. Sau nhiều cuộc bàn luận, những ý tưởng ban đầu được thành hình trên giấy. Format này sẽ được gửi lên các cấp lãnh đạo để duyệt thực hiện. Khi đã được chấp thuận, chương trình sẽ nhận được một khoản kinh phí để thực hiện sản xuất. Khi tìm được người chơi phù hợp, chúng tôi sẽ lên kịch bản chi tiết để thực hiện, đó có thể là một show trực tiếp hoặc ghi hình.

‘ BTV Thùy Anh


Là người tham gia tạo nên kịch bản của game show Cầu vồng, chị có thể chia sẻ những khó khăn ban đầu khi lên ý tưởng cho Cầu vồng?

BTV Thùy Anh: Cầu vồng là một serie tìm kiếm tài năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Người dẫn chương trình, Diễn viên, Nhà Thiết kế... Sau 3 mùa lên sóng, Cầu vồng đã tìm ra nhiều tài năng xuất hiện thường xuyên trên các chương trình giải trí sau này như MC Nguyên Khang, Phí Nguyễn Thuỳ Linh, diễn viên trẻ Tuấn Kiên, Minh Trí. Cái khó của chúng tôi ban đầu khi xây dựng format đó là phải tìm ra những cách thể hiện hấp dẫn. Sự chân thật, giàu cảm xúc, bất ngờ và đầy kịch tính sẽ là những yếu tố thu hút khán giả.

Xu hướng làm truyền hình hiện nay đang đẩy mạnh tính thực tế, điều này đã mang lại thành công cho rất nhiều gameshow. Tuy nhiên yếu tố "thực tế" hay "chân thật" của một game nshow mua bản quyền nước ngoài đôi khi vẫn còn là điều gây tranh cãi. Dù vậy, điều chúng tôi học được để đưa vào trong chương trình của mình đó là đẩy cao tính chân thật và cảm xúc của người chơi, cũng như tạo ra những nút thắt, mở, những cao trào để chương trình thêm hấp dẫn.

‘ Chương trình Cầu vồng do VTV6 sản xuất

Để một chương trình phiên bản Việt có thể lên sóng là công sức của một nhóm tác giả, như vậy ngay từ việc đưa ra các ý tưởng và lựa chọn được một ý tưởng tốt nhất đã là điều không hề dễ dàng. Làm thế nào để cả nhóm có thể đi đến một phương án chung?

BTV Thùy Anh: Để thống nhất được các ý tưởng, cả nhóm tác giả đều phải trả lời được câu hỏi: Làm chương trình cho ai? Và họ muốn xem cái gì? Khi tìm được một ý tưởng tốt, cả nhóm thường tập trung phát triển theo hướng đó và hoàn thiện thành format.

Áp lực lớn nhất của những người sáng tạo ra một game show là gì

BTV Thùy Anh: Áp lực lớn nhất đó là làm thế nào để giữ khán giả ngồi trước màn hình cho đến hết chương trình.

‘ Chương trình Tuổi 20 hát do VTV6 sản xuất

Bên cạnh những khó khăn như chị nói, việc khán giả hiện nay được tiếp xúc với quá nhiều trò chơi đến từ nước ngoài, việc viết kịch bản cho một trò chơi “made in Vietnam” liệu có phải là một khó khăn?

BTV Thùy Anh: Game show mua bản quyền từ nước ngoài tất nhiên có rất nhiều lợi thế. Thứ nhất đó phải là một game show ăn khách tại nhiều quốc gia, nên mới được mua bản quyền để sản xuất tại Việt Nam. Thứ hai là game show đó được truyền thông tốt trên các kênh báo chí, và có sự tham gia của nhiều gương mặt ăn khách hiện nay. Đó chỉ là 2 trong số nhiều lợi thế của show truyền hình có bản quyền nước ngoài. Tuy nhiên không phải vì thế mà các game show "made in Vietnam" lại không tìm được chỗ đứng trên sân nhà. Điển hình là rất nhiều game show do chúng ta sản xuất được khán giả rất yêu thích như: Ở nhà chủ nhật, Đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông Vàng, Cầu vồng... Nhưng rõ ràng nhu cầu của khán giả luôn đòi hỏi sự mới lạ, đó là thách thức với những người làm biên tập.

VTV6 là kênh truyền hình dành cho thanh niên, một đối tượng khán giả nắm bắt cái mới nhanh, cập nhật xu hướng cũng rất tốt. Mục tiêu chính mà các trò chơi truyền hình do VTV6 thực hiện hướng đến là gì?

BTV Thùy Anh: VTV6 là kênh truyền hình dành cho giới trẻ nên các game show trên VTV6 trước hết phải hướng các bạn trẻ đến một cách sống, cách suy nghĩ tích cực, khơi gợi sự sáng tạo thông qua những chương trình độc đáo, đầy mới lạ.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước