Báo chí quốc tế vạch trần mưu đồ của Trung Quốc qua tấm bản đồ khổ dọc

Phương Thảo-Chủ nhật, ngày 06/07/2014 12:01 GMT+7

Các phương tiện truyền thông quốc tế tiếp tục dành nhiều sự chú ý đến những hành động gây gia tăng căng thẳng của Trung Quốc trong khu vực, mà gần đây nhất là việc ban hành tấm bản đồ khổ dọc gần như nuốt trọn diện tích Biển Đông.

Dùng giàn khoan và bản đồ - chiến thuật không quá mới mẻ với Bắc Kinh

Chuyên trang Interpreter, thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy, Australia nhận định, tấm bản đồ mới gây quan ngại bởi hai lý do. Thứ nhất, nó đang phát đi tín hiệu Trung Quốc xem tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông là “lợi ích cốt lõi quốc gia”.

Thứ hai, việc ban hành tấm bản đồ này cho thấy sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc trong nước, với mưu đồ của chính quyền Bắc Kinh nhằm thay đổi nhận thức của người dân về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Điều này đáng lo ngại bởi nó cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không lùi bước trong các vấn đề tranh chấp trên biển tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

Trên tờ Diplomat, Trung Quốc đang phát động một “cuộc chiến bản đồ” ở khu vực Tây Thái Bình Dương là nhận định của học giả Harry Kazianis. Theo ông Kazianis, thay vì dùng sức mạnh quân sự có thể dẫn tới chiến tranh, Trung Quốc dùng giàn khoan và bản đồ để đạt được các mục tiêu chiến lược.

Chiến thuật này hoàn toàn không phải là điều gì quá mới mẻ với Bắc Kinh. Năm 2012, Trung Quốc đã từng áp dụng chiến thuật này khi ban hành hộ chiếu in đường lưỡi bò và gặp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Ông Kazianis cảnh báo, nếu Trung Quốc dần thay đổi hiện trạng và giành quyền kiểm soát Biển Đông sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm. Tiền lệ này sẽ khiến tất cả các quốc gia đang chia sẻ lợi ích trên Biển Đông gặp rất nhiều khó khăn trước thách thức của Trung Quốc.

‘ Trích dẫn trên tờ Diplomat.

Chia sẻ quan điểm này, học giả Ankit Panda cho rằng, bằng cách xuất bản bản đồ mới, Trung Quốc tiếp tục tạo ra sự đã rồi và có thể sẽ tiến tới thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông, thăm dò tài nguyên trắng trợn và tăng cường tuần tra khu vực.

Tấm bản đồ khổ dọc có thể trở thành vũ khí trong một cuộc chiến lớn hơn?

Điều đáng quan ngại, tấm bản đồ khổ dọc này có thể trở thành vũ khí trong một cuộc chiến lớn hơn, khi mà Bắc Kinh vẫn không ngừng giấu giếm ý định trở thành một cường quốc biển. Những hành động gia tăng căng thẳng của nước này ngày càng đi ngược lại lời cam kết về sự trỗi dậy hòa bình. Đây là nhận định chung của nhiều học giả.

Căng thẳng trên Biển Đông sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ vì các chính sách của chính quyền Bắc Kinh là nhận định của Giáo sư Shi Yinhong thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc được tờ Người đưa tin Sydney buổi sáng trích dẫn.

Theo Giáo sư Shi: “Dù chiến lược của Trung Quốc có phản tác dụng hay không thì toan tính của Bắc Kinh sẽ không thay đổi”. Ông cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục các động thái hiện tại. Nguyên nhân là bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang lan tràn tại quốc gia này.

Trang tin Bloomberg trích lời Giáo sư Willy Lam, Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, thuộc Đại học Hong Kong cảnh báo: Tham vọng của giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không dừng lại ở đường 9 đoạn. Mục tiêu dài hạn cuối cùng của Trung Quốc là giành được sự cân bằng về năng lực hải quân so với Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.

Tờ Thời báo kinh tế của Ấn Độ cho rằng, Trung Quốc đã từng đưa ra khái niệm về "sự trỗi dậy hòa bình" và "sự phát triển hài hòa", đồng thời cam kết sẽ không trở thành bá chủ, để thế giới yên tâm về sự phát triển của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, với những hành động khiêu khích tại Biển Đông, Trung Quốc đã chứng tỏ cho thế giới thấy một thực tế về sự khác biệt giữa lời nói và việc làm và tạo nên hình ảnh về một Trung Quốc thích sử dụng vũ lực để tranh chấp chủ quyền dựa trên việc thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.

Đối với cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia hiếu chiến, vi phạm luật quốc tế, đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước