Học giả quốc tế: “Đường chín đoạn” là mối đe dọa đối với an ninh dầu mỏ của toàn châu Á

Thời sự VTV-Thứ năm, ngày 29/05/2014 19:40 GMT+7

Những ý kiến về đường chín đoạn của các học giả quốc tế đã được ghi lại tại nhiều Diễn đàn khoa học về Biển Đông.

Ông Richard Cronin, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson cho biết: “Theo luật quốc tế, đường 9 đoạn không có một cơ sở thực tiễn nào cả. Hầu hết các chuyên gia luật quốc tế hoặc chuyên gia về biển đều tin rằng Trung Quốc không thể biện minh đường 9 đoạn bằng bất cứ cách nào dưới ánh sáng của Công ước Luật Biển, đặc biệt là các quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình”.

Giáo sư Dritry Valentinovich Mosyakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các quốc gia Đông Nam Á, Úc và châu Đại dương, Viện nghiên cứu Phương Đông, Học viện Khoa học Nga nói: “Tôi cho rằng đường 9 đoạn không phù hợp với luật quốc tế. Không hiểu sao, ở Trung Quốc, họ nhìn bản đồ, sau đó lấy 1 cây bút chì và vẽ ra đường 9 đoạn. Kiểu vậy! Tôi nghĩ đó là ý chí của một số người, họ cho rằng 80% diện tích của Biển Đông là của họ và họ lấy bút chì vẽ ra đường 9 đoạn rồi gọi đó là lãnh thổ của mình”.

Tiến sỹ Leszek Buszynski, Đại học An ninh Quốc gia Australia chia sẻ: “Vấn đề là yêu sách chủ quyền với toàn bộ biển Đông dựa trên đường 9 đoạn hầu như không có giá trị pháp lý nào. Họ nói về chủ quyền không thể tranh cãi, họ nói về quyền trong lịch sử cổ đại với Biển Đông, họ chưa bao giờ giải thích nó là cái gì. Tôi có trao đổi với một vài học giả Trung Quốc thì họ nói Trung Quốc sẽ lấy lại Biển Đông. Nhưng mà trước đây họ đã có nó đâu mà đòi lấy lại?”.

Ông Gregorypoling, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ cho biết: “Xuất phát từ sự mập mờ của “đường chín đoạn” cũng như những vi phạm rõ ràng của đường này đối với luật pháp quốc tế, bao gồm cả luật điều ước và luật tập quán, tôi coi “đường chín đoạn” như một mối đe dọa đối với an ninh dầu mỏ của toàn khu vực châu Á nói chung. Những gì chúng ta nhìn thấy hiện tại đó là Trung Quốc đang mong muốn biến “đường chín đoạn” trở thành căn cứ pháp lý duy nhất, đáp ứng được những lợi ích của mình nhưng đồng thời cũng cho phép Trung Quốc bỏ qua luật pháp quốc tế. Đó rõ ràng không phải là cách thức để có được sự ổn định”.

Quý độc giả quan tâm tới vấn đề này có thể theo dõi video dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước