Hiện có chưa tới 30% số đơn vị sử dụng ngân sách nộp hồ sơ chi ngân sách qua mạng, nhưng sang năm 2020, 100% đơn vị đều có thể ngồi ở cơ quan, nhập hồ sơ điện tử. Kho bạc Nhà nước cũng đang đổi mới phương thức chi, chuyển dần sang thanh toán trước, kiểm soát chi sau nhằm giảm bớt thời gian làm thủ tục.
Mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ các hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ của Kho bạc Nhà nước sẽ được số hóa, có sự kết nối, liên thông giữa các Bộ ngành, địa phương. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá, hệ thống dữ liệu lớn sẽ giúp tăng cường khả năng dự báo dòng tiền từ đó, có thể đưa ra các phương thức quản lý ngân quỹ chủ động, hiệu quả hơn.
Ông Sandeep Saxena, Chuyên gia cao cấp Vụ các vấn đề tài khóa IMF cho rằng: "Thời gian qua, việc quản lý ngân quỹ đã được cải thiện đáng kể. Các số liệu thu chi ngân sách đã được đưa về một tài khoản ngân hàng ngay trong ngày. Trong hệ thống đã có một tầm nhìn tổng thể về trạng thái tồn ngân của kho bạc và sẽ hỗ trợ năng lực quản lý ngân quỹ của Kho bạc Nhà nước. Sắp tới, Kho bạc Nhà nước cần tập trung mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ gia tăng một cách rộng rãi hơn cho toàn khu vực Chính phủ chung chứ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước".
Trong chiến lược phát triển mới, Kho bạc Nhà nước cũng sẽ hoàn thiện chế độ kế toán Nhà nước, từng bước xây dựng một bộ sổ chung cho toàn chính phủ nhằm đảm bảo tính chính xác, minh bạch qua đó, rút ngắn thời gian lập báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước và báo cáo tài chính Nhà nước không quá 6 tháng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!