Báo cáo từ Công Thương cho biết tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong xuất khẩu với 78,14 tỷ USD, tăng 34,4% (chiếm 75,2% kim ngạch xuất khẩu).
4 tháng đầu năm có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD.
Điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất khi đạt 18,4 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp sau là điện tử, máy tính và linh kiện xuất khẩu 15,9 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng xuất khẩu 12 tỷ USD; hàng dệt may xuất khẩu 9,5 tỷ USD; giày dép 6,4 tỷ USD….
Việt Nam xuất khẩu 18,4 tỷ USD điện thoại và linh kiện trong 4 tháng đầu năm
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 30,26 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,84 tỷ USD; thị trường EU đạt 12,55 tỷ USD; thị trường ASEAN đạt 8,75 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 6,9 tỷ USD…
Trong chiều ngược lại, sau 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 102,6 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất với kim ngạch ước đạt 22,05 tỷ USD, tăng 24,8%.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 33,1 tỷ USD, tăng 47,8%, tiếp theo là Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD; ASEAN đạt 14,1 tỷ USD…
Như vậy sau 4 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam xuất siêu 1,29 tỷ USD (so với mức xuất siêu 1,22 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái).
"Trong tình trạng chịu tác động rất nặng nề của dịch bệnh COVID-19, cùng những hệ quả khác từ dịch bệnh như vấn đề thiếu container rỗng, hay việc tăng giá cước tàu biển, sự cố của kênh đào Suez cộng với chi phí vận chuyển tăng cao… hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn liên tục ghi nhận những kết quả tích cực và có sự phát triển khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN…", Bộ Công Thương cho biết.
Các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKFTA... được dự báo sẽ tiếp thêm đà cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới
Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu… sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!