21/23 dự án điện khí vẫn chưa thể triển khai

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 05/10/2024 07:31 GMT+7

VTV.vn - Trong số 23 dự án điện khí được quy hoạch, đến nay mới chỉ có một dự án đã vận hành, một dự án đang triển khai xây dựng.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gọi tắt là quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 sẽ có 23 dự án điện khí được đưa vào vận hành với tổng công suất trên 30.000 MW, chiếm 20% tổng công suất điện lắp đặt toàn hệ thống. Nhưng thực tế thời gian qua, những vướng mắc về vốn, về cơ chế bao tiêu đầu ra đã khiến 21/23 dự án vẫn chưa thể triển khai, cho dù đây là các dự án thuộc danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện.

Sau hơn một năm đàm phán, hợp đồng mua bán điện cho Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4, là dự án điện khí thiên nhiên hoá lỏng đầu tiên tại Việt Nam, đã chính thức được ký kết. Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư cho biết, hợp đồng này mới chỉ giải quyết được những khó khăn trước mắt cho dự án. Theo thiết kế, dự án này có công suất trên 1.600 MW, mỗi năm sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 9 tỷ kWh điện thương phẩm, nhưng khi mà bản cam kết mua bán điện dài hạn chưa được thực hiện, thì sẽ khó đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư.

21/23 dự án điện khí vẫn chưa thể triển khai - Ảnh 1.

Những vướng mắc về vốn, về cơ chế bao tiêu đầu ra đã khiến 21/23 dự án vẫn chưa thể triển khai

Ông Lê Như Linh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí quốc gia cho biết: "Với hợp đồng hiện tại, chúng tôi chỉ yên tâm được khoảng 40% công suất, còn 60% còn lại thì chúng tôi đang đợi Chính phủ, Bộ Công thương tháo gỡ khó khăn, để làm sao chúng tôi nâng được tối đa công suất, giúp cho chúng tôi có được hợp đồng mua nhiên liệu dài hạn, thông thường giá sẽ rẻ hơn mua ngắn hạn, có khi lên tới 15%".

Mặc dù điện khí có vai trò là nguồn điện nền, giữ ổn định cho cả hệ thống điện trong tương lai. Tuy nhiên, trong số 23 dự án điện khí được quy hoạch, đến nay mới chỉ có một dự án đã vận hành, một dự án đang triển khai xây dựng. Những vướng mắc về việc huy động vốn, về cơ chế để huy động nguồn điện sạch dài hạn là nguyên nhân chính gây chậm trễ. Do vậy, việc phát triển các dự án này cần có cơ chế đặc thù để triển khai.

Ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nêu ý kiến: "Chúng tôi đang kiến nghị một cách rất mạnh dạn làm thế nào Quốc hội có một Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực năng lượng nói chung và điện khí LNG nói riêng để cho phép triển khai song song các dự án mà chúng ta mong muốn với quá trình hoàn thiện khung pháp lý".

Ngoài việc đề xuất sớm có cơ chế đặc thù cho điện khí, Bộ Công thương cũng đang khẩn trương hoàn thiện văn bản, trình Chính phủ xem xét đưa các dự án này vào nhóm các dự án trọng điểm quốc gia. Bởi điện khí là nguồn điện ít phát thải, là sự cần thiết cho quá trình chuyển dịch cơ cấu sang năng lượng xanh trong giai đoạn tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước