Bảy năm trôi qua kể từ khi Việt Nam gia nhập
WTO - quãng thời gian chưa dài nhưng nếu nhìn lại có thể thấy rõ sự thay đổi đến đời sống xã hội, đặc biệt là kinh tế. Có những thành tựu như tăng trưởng GDP liên tục hai con số, điều mà trước đây chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới thì nay đã thành sự thật, tuy nhiên trong câu chuyện của 7 năm sau lại đang đặt ra nhiều vấn đề và trở thành thách thức với những hệ lụy từ WTO.
Nước giải khát Tribeco, Bánh kẹo Bibica, Famylli mart chỉ là một vài trong số những thương hiệu Việt bị thâu tóm. Cơ chế thị trường và WTO đã tạo ra những doanh nghiệp mạnh, nhưng cũng chính cơ hội trở thành thách thức. 7 năm qua, hàng trăm ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ được mở ra và có cơ hội phát triển, đóng góp vào tăng trưởng của quốc gia. Nhưng 3 năm trở lại đây, số doanh nghiệp bị thâu tóm hay giải thể cũng tới cả trăm ngàn.
‘ Khối FDI tiếp tục sống khỏe với những ưu đãi của Việt Nam. Ảnh: ndh
Tại cuộc gặp giữa một số doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế mới đây đã có nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp đã không lường hết được rủi ro khi gia nhập WTO, bên cạnh đó là các chính sách cho doanh nghiệp Việt còn bất cập trong tình hình hiện nay.
Gia nhập WTO, rất nhiều thị trường mới mở ra và làn sóng đầu tư FDI cũng gia tăng vào Việt Nam, dịch vụ phát triển mạnh, nhưng bức tranh đẹp không duy trì được lâu khi chúng ta cũng dễ bị tổn thương của khủng hoảng kinh tế. Yếu tố tiếp theo khiến Việt Nam gặp thách thức khi gia nhập WTO là chưa có sự chuẩn bị tích cực trong cải cách thể chế, cải cách hành chính chưa đạt được kỳ vọng. Nhưng với doanh nghiệp nội địa, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất sau 7 năm đó là chúng ta duy trì quá lâu chính sách ưu đãi với doanh nghiệp FDI. Nhiều ý kiến cho rằng, không bình đẳng dẫn tới việc khó cạnh tranh với nhiều sản phẩm khác, chủ yếu về giá và lợi nhuận: DN Việt phải mất nhiều chi phí, từ đất đai, hạ tầng, môi trường, thuế, phí, vốn vay.
Trong báo cáo gần đây của nhóm nghiên cứu kinh tế Fulbright, 4 động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân trong nước, các hộ kinh doanh nông sản, nông nghiệp và FDI, chỉ có khối FDI tiếp tục sống khỏe với những ưu đãi của Việt Nam, các thành phần còn lại đều gặp khó khăn về thể chế. Trong khi đó, nền kinh tế phát triển bền vững phải dựa vào nội lực, tức là doanh nghiệp trong nước. Còn việc ưu ái và dựa vào doanh nghiệp FDI để có con số tăng trưởng GDP, xuất khẩu đẹp chỉ mang tính nhất thời, có thể là nguy cơ xấu với nền kinh tế.