Thông tin trên là đánh giá được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong buổi họp báo sáng 11/4. Theo ADB, động lực khiến tổ chức này lạc quan đưa ra dự báo tăng trưởng 7,1% trong năm 2018 của Việt Nam là đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, xuất khẩu nhiều ngành hàng trong đó có nông nghiệp rất tốt, tiêu dùng nội địa đạt mức kỷ lục và môi trường kinh doanh đang tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như tạo thêm việc làm.
Toàn cảnh Họp Báo công bố triển vọng phát triển châu Á của ADB sáng 11/4.
Cũng giống như các báo cáo trước, ADB đưa ra những cảnh báo về rủi ro và thách thức của nền kinh tế Việt Nam hiện nằm ở ngân sách, cán cân vãng lai, nợ công và thiếu lao động có kỹ năng. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý của năm 2018 là tình trạng tăng cường bảo hộ thương mại và việc Mỹ, Trung Quốc có thể áp thuế lên nhiều mặt hàng của nhau sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại toàn cầu và Việt Nam ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Hiện tăng trưởng của Việt Nam đã đạt điểm 9 với đóng góp của tất cả các ngành, do đó việc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng như vậy trong tương lai sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, sang năm 2019, ADB đưa ra mức dự báo thấp hơn cho tăng trưởng Việt Nam khi chỉ ở mức 6,8%.
Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB trả lời phỏng vấn.
Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nói: "Theo tôi, càng có mức tăng trưởng cao lại càng có thêm áp lực để phải duy trì mức tăng cao đó. Lưu ý rằng với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế cần được chia sẻ ra nhiều thành phần kinh tế hay mang tính bao trùm hơn để cả xã hội cùng được hưởng lợi từ tăng trưởng cao. Nhiều quốc gia có tăng trưởng "nóng" thường phải đối mặt với áp lực tăng giá. Hiện điều này chưa diễn ra ở Việt Nam nhưng cần lưu ý tới kịch bản này vì lạm phát đang nhích dần lên".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!