Đây là một phần trong chiến dịch toàn cầu của Oxfam hướng đến mục tiêu công bằng lương thực và chống đói nghèo. Thông qua báo cáo này, những bất cập đã được thẳng thắn nhìn nhận và một vấn đề lớn đặt ra là tìm những giải pháp để phát triển lúa gạo thành hàng hóa có vị thế, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.
‘ Ảnh minh họa.
Bá́o cáo cho thấy, ngay cả khi giá gạo trên thị trường thế giới lên cao, các chính sách cũng không cho phép nông dân hưởng lợi từ việc giá lên. Đơn cử năm 2008, khi giá xuất khẩu tăng 900 USD/tấn, nhưng do lệnh cấm xuất khẩu, giá bán lúa của nông dân chỉ tăng 100 USD/tấn. Trong khi đó, việc xác định và công bố giá lúa định hướng nhằm đảm bảo đem lại lợi nhuận ít nhất 30% cho nông dân trồng lúa cũng không thực sự phát huy tác dụng vì giá thu mua do doanh nghiệp chi trả, trong khi thực tế các doanh nghiệp hiếm khi mua thóc trực tiếp của nông dân mà phải thông qua thương lái.
Thêm vào đó, chính sách thu mua tạm trữ tuy góp phần tăng cầu, tăng giá mua lúa, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp thường mua lúa gạo khi giá xuống mức thấp nhất.
Nông dân không được hưởng lợi đã cho thấy một tư duy sản xuất và kinh doanh còn có độ vênh giữa các tác nhân. Hiện nay, chính sách về lúa gạo vẫn đang lẫn lộn giữa lúa gạo an ninh lương thực và lúa gạo hàng hóa. Chính sách thì nhiều, nhưng vẫn không chạm đến cái đích của vấn đề và hệ lụy là không ít nông dân đã phải bỏ ruộng.
Oxfam đã đưa ra 7 khuyến nghị, trong đó đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân và có chính sách lúa gạo theo cấp vùng là hai nội dung quan trọng. Theo đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải là người tìm thị trường chứ không phải là người khống chế giá cả. Trong khi đó, với sản xuất thiếu liên kết và hợp tác như hiện nay, nông dân vẫn còn bán lúa tươi thì không bao giờ có lãi.