Ảnh minh họa - CNBC.
Ấn Độ sẽ khó có thể trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD vào năm 2024 - 2025, vì sự suy giảm kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Thay vào đó, quy mô của nền kinh tế này sẽ nhỏ hơn đáng kể trong những năm tới, so với quy mô của hồi năm 2019. Đây là nhận định của Giáo sư Vamsi Vakulabharanam thuộc trường Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), được đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn PTI đăng ngày 15/8.
Theo ông Vakulabharanam, mặc dù đại dịch COVID-19 là yếu tố quan trọng nhất gây ra sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ vào thời điểm hiện nay, nhưng điều đáng chú ý là sự sụt giảm của nền kinh tế nước này đang trở nên nghiêm trọng hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác và nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Ông Vakulabharanam, đồng Giám đốc Chương trình Kinh tế Chính trị châu Á tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), nói: "Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ chưa đến 3.000 tỷ USD. Để đưa con số này tăng lên 5.000 tỷ USD trong 4 năm, nền kinh tế Nam Á phải đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 13%/năm. Tuy nhiên, ngay cả trong những kịch bản tốt nhất, điều này cũng rất khó xảy ra".
Năm 2019, Thủ tướng Narendra Modi đề ra tầm nhìn đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD và một cường quốc toàn cầu vào năm 2024-2025. Theo ông Vakulabharanam, cho dù mọi thứ diễn ra theo dự báo của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô kinh tế Ấn Độ sẽ vẫn nhỏ hơn trong một khoảng thời gian đáng kể so với hồi năm 2019.
IMF và RBI gần đây đã hạ mức dự báo về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ. Theo Văn phòng Thống kê trung ương Ấn Độ (CSO), GDP của nước này đã giảm 7,3% trong năm 2021 và theo kỳ vọng của RBI, GDP sẽ tăng 9,5% trong năm nay.
Liên quan đến tình trạng lạm phát tăng cao hiện nay, ông Vakulabharanam đánh giá đó không phải là vấn đề đáng lo ngại đối với Ấn Độ. Tuy nhiên, ông lưu ý điều quan trọng là phải bảo vệ người nghèo trước lạm phát ở các mặt hàng thiết yếu. Do đó, New Delhi cần thực hiện các biện pháp chủ động để đảm bảo người nghèo không bị tổn thương trong ngắn hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!