Những tranh cãi đang nóng lên xung quanh tuyên bố của Mỹ mới đây, ủng hộ việc tử bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19. Trong khi Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ ngờ vực về hiệu quả của bước đi này, ở chiều ngược lại Ấn Độ lại đang nỗ lực kêu gọi thế giới hãy đồng lòng giải phóng các bằng sáng chế, hay bí mật thương mại đối với vaccine ngừa COVID-19.
Sự ngờ vực của Liên minh châu Âu nhìn chung xoay quanh quan điểm bây giờ có từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa COVID-19 các nước đang phát triển cũng khó mà đã có đủ công nghệ hay nguyên liệu để sản xuất vaccine. Vậy nên kêu gọi từ bỏ bản quyền vaccine không phải là vấn đề cần trong lúc này. Trong khi báo chí Ấn Độ lại cho rằng đó chỉ là quan điểm của giới chính trị, quan trọng hơn hay nghe giới khoa học nói gì.
Trang báo Tin nhanh Ấn Độ trích một báo của tổ chức Oxfam từ hồi tháng 3. Trong đó 3/4 các nhà khoa học, bao gồm nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức hàng đầu trên thế giới nhấn mạnh, việc chia sẻ công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sẽ có thể giúp được tăng tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu.
Thực tế không chỉ các nước nghèo đang phát triển mới cần được chia sẻ bản quyền vaccine. Chẳng hạn như hãng dược Biolyse Pharma của Canada cũng đã từng đề nghị Johnson & Johnson cho phép cùng sản xuất vaccine nhưng sau đó đã bị Johnson & Johnson khước từ.
Ấn Độ thúc đẩy từ bỏ bản quyền vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh minh họa: Reuters)
Ấn Độ và Nam Phi có thể xem là 2 quốc gia khởi xướng ý tưởng kêu gọi từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19. Họ đã đề xuất vấn đề này lên Tổ chức Thương mại thế giới từ tháng 10/2020. Ấn Độ cho rằng họ cũng biết để các nước đồng lòng từ bỏ bản quyền vaccine không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà được.
Nhưng theo trang báo Quan điểm Ấn Độ, không nên chỉ bó hẹp tầm nhìn vào mục tiêu duy nhất là từ bỏ được việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19. Chỉ riêng việc Mỹ cùng các nước ủng hộ từ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ giúp các hãng dược phẩm cởi mở hơn trong các bước đi chia sẻ công nghệ hay mở rộng liên doanh.
Liên minh châu Âu không nói họ phản đối việc bãi bỏ bản quyền vaccine. Nhưng cho rằng cần phải làm nhiều chuyện khác trước sau hãy nói đến câu chuyện từ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Thời báo Hindustan lưu ý, các cuộc vận động hành lang của giới dược phẩm ở châu Âu là mạnh mẽ nhất. Đây sẽ là lực cản mà các phong trào kêu gọi từ bỏ bản quyền vaccine sẽ phải vượt qua.
Theo trạng mạng của Kênh truyền hình New Delhi, hãy đừng đặt ra nhiều vấn đề sâu xa, làm phức tạp hóa đề xuất từ bỏ bản quyền vaccine. Những gì các nước nghèo mong muốn rất đơn giản. Trong tình huống hiện nay, họ cần được phép làm mọi thứ để cứu người dân của mình, mà không phải lo sợ một sự trả đũa thương mại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!