Áp dụng công nghệ giúp kinh tế ASEAN phát triển bền vững

Diệu Linh-Thứ sáu, ngày 13/11/2020 16:51 GMT+7

VTV.vn - Để kinh tế ASEAN phát triển bền vững và không bị quá phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng bên ngoài như giai đoạn trước dịch, áp dụng công nghệ là vấn đề cốt lõi lúc này.

Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), quy mô tăng trưởng GDP của cả khối ASEAN sẽ suy giảm 4,3% trong năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19.

Do vậy tìm ra những cách thức giúp tăng trưởng bền vững và bao trùm là điều các doanh nghiệp và các nhà đầu tư đã và đang đặt ra. Đây cũng là chủ đề chính của phiên thảo luận quan trọng tại Hội nghị Thưởng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN-BIS) diễn ra sáng 13/11 theo hình thức trực tuyến.

Theo thống kê, 10 nước thành viên ASEAN đang đóng góp tới 10% vào tăng trưởng toàn cầu, tương đương với đóng góp của cả khối Eurozone hiện nay. Với việc cơ bản đang kiềm chế tốt dịch COVID-19, hầu hết các nhà lãnh đạo và chuyên gia quốc tế sáng nay đều nhấn mạnh rằng, cách thức ASEAN xử lý dịch bệnh và cân bằng phát triển kinh tế sẽ là động lực của tăng trưởng toàn cầu trong năm 2021.

Để kinh tế ASEAN phát triển bền vững và không bị quá phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng bên ngoài như giai đoạn trước dịch, áp dụng công nghệ là vấn đề cốt lõi lúc này. Các diễn giả cho rằng, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sẽ là đối tượng cần đặc biệt quan tâm.

"Phần lớn các doanh nghiệp tại ASEAN là SMEs hay thậm chí là siêu nhỏ, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lại phát triển quá nhanh, nhóm doanh nghiệp này khó có đủ tiền bạc và công nghệ để chạy theo. Do vậy cần có cách tiếp cận bao trùm để họ không bị bỏ lại phía sau", ông Hidetoshi Nishimura - Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) nói.

Áp dụng công nghệ giúp kinh tế ASEAN phát triển bền vững - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội nghị Thưởng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN-BIS) diễn ra sáng 13/11. Ảnh: TTXVN.

Ông Robert E.Moritz - Chủ tịch Tập đoàn PWC cho biết: "ASEAN vừa chứng kiến thêm 40 triệu người dân lần đầu tiên sử dụng Internet. Như vậy, 2/3 dân số khu vực đã tiếp cận Internet. Đây chính là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế số. Giờ là lúc mà ASEAN cần có một chính sách chung về chuyển đổi số. Tôi cũng muốn nhấn mạnh yếu tố con người là sẽ quyết định thành công".

Trước đó, tại phiên khai mạc ASEAN-BIS 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các doanh nghiệp trên thế giới hãy đầu tư vào ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Việt Nam cam kết hợp tác cùng các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác của ASEAN để tiếp tục có những chương trình hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là trong những lĩnh vực chuyển đổi số, môi trường, xã hội và quản trị, công nghệ và tương lai việc làm trong khu vực, phát triển bền vững và bao trùm".

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khu vực ASEAN-5 được dự báo sẽ phục hồi mạnh tới 6,2%; còn Việt Nam dự kiến tăng trưởng tới 6,7% trong năm 2021.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước