Áp trần giá sữa: Người tiêu dùng đã thực sự hưởng lợi?

Lan Anh-Thứ bảy, ngày 28/06/2014 09:00 GMT+7

Liệu người tiêu dùng có thực sự được hưởng lợi từ việc áp trần giá sữa, bởi hiện nay bức tranh tổng thể về giá cả, mẫu mã sữa vẫn còn nhiều rắc rối.

Kể từ ngày 1/6/2014, quyết định áp giá trần đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Tài chính chính thức có hiệu lực. Đó là một tin vui cho người tiêu dùng. Càng phấn khởi hơn vì kể từ ngày 21/6 vừa qua, lần đầu tiên mặt bằng giá sữa trên thị trường diễn biến theo chiều hướng giảm. Tuy nhiên, có một vấn đề đang được các nhà quản lý cũng như nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ quan tâm lúc này là, liệu người tiêu dùng có thực sự được hưởng lợi từ việc áp trần giá sữa, bởi hiện nay bức tranh tổng thể về giá cả, mẫu mã sữa vẫn còn nhiều rắc rối.

Tại TP Cần Thơ - một trong ba địa bàn trọng điểm của cả nước đang triển khai kiểm tra việc thực hiện quyết định áp trần giá sữa của Bộ Tài chính, đã có 38 đơn vị kinh doanh sữa trên địa bàn TP Cần Thơ thực hiện việc đăng ký giá bán theo quy định. Qua kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường, hầu hết 25 sản phẩm sữa trong danh mục áp trần đều thực hiện niêm yết và bán theo đúng giá quy định.

Tuy nhiên có một thực trạng đang diễn ra là, một số sản phẩm nằm trong danh mục áp trần như Enfamil A + 1, Enfamil A + 2… loại 900 của Mead Johnson hiện rất hiếm hàng. Nhà cung cấp đã đưa ra thị trường sản phẩm thay thế là Enfamil A+ 360 độ Brain Plus với giá bán cao hơn so với mẫu cũ khoảng 100.000 đồng/hộp. Điều này cũng đồng nghĩa, người dân buộc phải sử dụng dòng sản phẩm mới với mức giá cao, còn đơn vị Quản lý thị trường thì chưa có đủ căn cứ để xác định sự khác nhau về thành phần dinh dưỡng giữa mẫu cũ và mẫu mới.

‘ Từ ngày 21/6, lần đầu tiên mặt bằng giá sữa trên thị trường diễn biến theo chiều hướng giảm. Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Thị Bảo Châu, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bức xúc: “Con tôi uống sữa Enfa A+ mẫu cũ, nhưng thị trường bây giờ ra mẫu mới, tôi cũng phải chấp nhận vì không có sữa đó thì phải uống mẫu mới thôi”.

Theo bà Ngô Thị Thanh Thảo, chủ cửa hàng kinh doanh sữa 69, TP Cần Thơ: “Mead Johnson thay đổi mẫu, công ty cũng thông báo chỉ bán hàng cũ, khi giải phóng hết hàng tồn thì tất cả sẽ chuyển sang mẫu mới, không ra mẫu cũ nữa".

Về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Đội trưởng đội QLTT số 3, Chi cục QLTT TP Cần Thơ cho rằng: “Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng thấy Enfamilk có những lô sản xuất từ tháng 1, tháng 2 của năm 2014, có nghĩa là trước thời điểm quyết định 1079 của Bộ Tài chính ra đời thì họ đã có sự chuẩn bị trước để đối phó với vấn đề quản lý nhà nước trong việc áp giá trần dành cho sản phẩm sữa dành cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi”.

Như vậy, thực tế một bộ phận người tiêu dùng không được hưởng lợi từ việc áp trần giá sữa đã rõ. Ngành chức năng cũng khó có thể quy kết rằng, các doanh nghiệp đã sử dụng chiêu trò để “lách luật”.

Một câu hỏi đặt ra là, thời gian tới, liệu tiến trình đưa thêm nhiều sản phẩm sữa vào danh mục áp giá trần có theo kịp tốc độ thay đổi tên gọi, mẫu mã của các sản phẩm? Và nếu như mẫu mã mới ra đời mà không công khai rõ thành phần dinh dưỡng bổ sung thì người tiêu dùng hoàn toàn có lý do để nghi ngờ về chất lượng đằng sau việc khoác lên sản phẩm một chiếc áo mới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước