APEC 2023 - Tăng cường hợp tác kinh tế

Đức Cường-Thứ bảy, ngày 18/11/2023 15:05 GMT+7

VTV.vn - Trước thực tế tăng trưởng không đồng đều đang diễn ra giữa các nền kinh tế, APEC 2023 được kỳ vọng sẽ nơi các nhà lãnh đạo bàn thảo và đưa ra nhiều giải pháp cấp thiết.

Tăng trưởng không đồng đều trên thế giới

Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có tên "Điều hướng những khác biệt toàn cầu" cho thấy thực tế tăng trưởng không đồng đều đang diễn ra giữa các nền kinh tế.

Mỹ - Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất đều được nâng dự báo tăng trưởng mạnh mẽ. Kinh tế Nga thể hiện sức bền bất chấp 11 vòng trừng phạt của phương Tây, với mức tăng trưởng có thể đạt 2,2%.

Châu Á - tiếp tục là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, khi có thể bật tăng tới 4,6% trong năm nay.

Trong khi đó, gam màu xám đang bao phủ châu Âu khi kinh tế Eurozone thấp hơn nhiều so với năm ngoái, trong đó đầu tàu Đức thậm chí rơi vào suy thoái.

Các chuyên gia cho rằng, sự phân mảnh của kinh tế thế giới cùng sự bất ngờ từ các cuộc xung đột địa chính trị, như tại Ukraine hay dải Gaza đang là những rủi ro vô cùng lớn.

Với chủ đề "Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người", Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 được kỳ vọng sẽ nơi các nhà lãnh đạo bàn thảo và đưa ra nhiều giải pháp cấp thiết.

Tăng cường hợp tác kinh tế tại APEC 2023

Sự kiện kinh tế quốc tế được đặc biệt quan tâm tuần qua là Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thành phố San Francisco, Mỹ. Hội nghị năm nay đánh dấu đúng 30 năm kể từ Hội nghị APEC lần đầu tiên cũng được tổ chức tại Mỹ.

APEC 2023 - Tăng cường hợp tác kinh tế - Ảnh 1.

Tuần qua, Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thành phố San Francisco, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Với 21 nền kinh tế thành viên, APEC hiện chiếm 38% dân số, 62% GDP và gần 50% thương mại thế giới. Tuy nhiên trước những dự báo mới nhất cho thấy, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm sau, nước chủ nhà - Mỹ cho biết, đã đạt được những tín hiệu tích cực nhằm tăng cường hợp tác kinh tế.

Phát biểu tại khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, các nhà lãnh đạo đã ghi nhận những tiến triển tích cực trong thảo luận, đàm phán về hợp tác thương mại, chuỗi cung ứng, kinh tế sạch và kinh tế công bằng; khẳng định mục tiêu xây dựng một khuôn khổ hợp tác mở, bao trùm, linh hoạt, bền vững và năng động.

Bên cạnh đó, hai quỹ tài chính mới sẽ được thành lập là "Quỹ IPEF về khí hậu" và "Quỹ Tài chính xúc tác IPEF", với số vốn ban đầu khoảng 30 triệu USD nhằm hỗ trợ các dự án về chuyển đổi kinh tế sạch.

APEC thảo luận mục tiêu tài chính bền vững

Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2023, chủ đề hợp tác quốc tế hướng tới tăng trưởng xanh thông qua tài chính bền vững thu hút sự quan tâm đặc biệt. Đây là 1 trong 3 mục tiêu ưu tiên tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC.

Việt Nam và các nền kinh tế APEC đã chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm các công cụ, cơ chế tiếp cận nguồn tài chính giúp giải quyết những nút thắt cho các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực, từ đó tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng và thiết lập, vận hành thị trường carbon tự nguyện.

Phát triển bền vững và toàn diện là mục tiêu xuyên suốt tại của các Bộ trưởng Tài chính APEC tại hội nghị lần này. Sau đại dịch, phần lớn các nền kinh tế APEC đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức. Lạm phát còn ở mức cao, nợ công thế giới tăng kỷ lục và nhất là biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Trong bối cảnh đó, thúc đẩy tài chính bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng và thị trường carbon tự nguyện là trọng tâm được APEC ưu tiên.

"Nỗ lực của chúng tôi trong vấn đề tài chính bền vững tập trung vào làm sao huy động nguồn lực và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng, đạt mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0. Chúng tôi đã thảo luận cách để cung ứng tài chính cho chuyển đổi năng lượng hiệu quả và hỗ trợ các nền kinh tế, cộng đồng thành viên chịu tác động nặng nhất. Mô hình đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Indonesia và Việt Nam là những điển hình rõ rệt nhất trong nỗ lực này", Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh.

Nằm trong nhóm các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam vừa nỗ lực phục hồi tăng trưởng, vừa nỗ lực giảm phát thải mạnh mẽ với lộ trình nhanh tương đương, thậm chí cao hơn mục tiêu của nhiều nước phát triển. Bài toán hiện nay là làm sao huy động được nguồn lực tài chính để đáp ứng đủ nhu cầu chuyển đổi năng lượng trong nước. Các khoản vay ưu đãi, nguồn vốn thực sự mang tính hỗ trợ, cũng như các khoản viện trợ không hoàn lại là rất cần thiết.

"Chúng tôi đề nghị các định chế tài chính thúc đẩy sớm các nguồn vốn đã được cam kết, chẳng hạn nguồn vốn 15,5 tỷ USD. Sáng kiến của Việt Nam thì đề nghị thúc đẩy các dự án, chủ trương, phải đi trước một bước để thực hiện việc giải ngân cũng những thực hiện mục tiêu hoàn thành công trình sớm nhất nhằm tác động đến phát triển bền vững", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất.

Một trong những kết quả nổi bật tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần này là các nền kinh tế đạt được nhận thức chung về cách thức để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện. Theo đó, đi đôi với triển khai mô hình trọng cung hiện đại, cần chú trọng đến mục tiêu phát triển bền vững như bảo vệ môi trường và hạn chế bất bình đẳng. Trong đó, tài chính bền vững chính là chìa khóa quan trọng, tạo các công cụ và cơ chế để đảm bảo thực hiện đồng thời hai mục tiêu trên.

Chuỗi cung ứng toàn cầu - cuộc đua tái cân bằng

Bên lề Hội nghị APEC 2023, PwC - 1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới đã ra mắt ấn phẩm "Chuỗi cung ứng toàn cầu: Cuộc đua tái cân bằng". Báo cáo nhấn mạnh, các doanh nghiệp toàn cầu đang chạy đua nhằm tái cân bằng chuỗi cung ứng của mình và tìm kiếm nhà cung cấp, địa điểm và nhân tài mới. Vậy đâu là những thách thức, tiềm năng của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng? Việt Nam liệu có nhiều lợi thế trong cuộc đua dịch chuyển hay định hình chuỗi cung ứng mới này?

Dịch chuyển chuỗi cung ứng - cụm từ liên tục xuất hiện trong 5 năm trở lại đây, kể từ khi cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung bùng phát.

Tuy nhiên COVID-19, các cuộc xung đột địa chính trị bất ngờ nổ ra, các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu lúc này mới thấy rõ rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng tăng lên mức cao nhất.

Báo cáo PwC chỉ ra, 43% CEO châu Á - Thái Bình Dương và 41% CEO toàn cầu sẽ điều chỉnh hoặc tái cân bằng chuỗi cung ứng.

"Trong xu hướng kinh tế chính trị hiện nay, khủng hoảng còn diễn ra. Ngoài ra một số quốc gia trước đây được coi là khu vực sản xuất, ưu thế đang không còn cạnh tranh nữa. Một loạt quốc gia mới trở thành điểm đến. Các công ty cần xem xét lại làm sao để đa dạng hóa, tạo ra sự cân bằng mới, linh hoạt hơn để quản lý cả chuỗi cung ứng", bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam, cho biết.

APEC 2023 - Tăng cường hợp tác kinh tế - Ảnh 2.

PwC cho rằng, đây là thời điểm "vàng" chuyển giao từ phục hồi sang tăng trưởng với chuỗi cung ứng. Do vậy sự dịch chuyển hay tái cân bằng chuỗi cung ứng là sự cần thiết, dù có những rủi ro đi kèm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)

Vậy đâu là những tiêu chí trong cuộc đua tái cân bằng chuỗi cung ứng mà các tập đoàn xem xét khi lựa chọn "vùng đất mới" cho lần dịch chuyển tiếp theo này? Khảo sát cho thấy, kỹ năng lao động - cơ sở hạ tầng - quy mô lực lượng lao động là yếu tố quan trọng nhất.

Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan đang là những địa điểm tiềm năng nhất. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã Hội, quản trị) đang được xem là tiêu chí mới cũng không thể bỏ qua.

"Rất nhiều quốc gia đã đưa ra điều kiện về ESG, đơn giản là về nguyên vật liệu, yêu cầu về thu hồi. Châu Âu đã đưa ra nhiều quy định giảm thiểu carbon, sẽ bị áp thuế rất cao", bà Đinh Thị Quỳnh Vân cho biết thêm.

Vậy Việt Nam đang ở đâu và có được hưởng lợi trong cuộc đua tái cân bằng mới này của chuỗi cung ứng toàn cầu?

"Chúng ta được hưởng lợi nhưng không nhiều như chúng ta mong muốn. Lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam so sánh với Malaysia, Thái Lan, Indonesia thì thực sự phần chúng ta thu được không lớn đến mức chúng ta có thể. Đầu tư chúng ta thu được chủ yếu là ở phần lao động. Giá trị gia tăng cao thì đầu tư không vào chúng ta. Ngoài chuyển đổi về số lượng, chúng ta cần xem về chất lượng", bà Đinh Thị Quỳnh Vân nhận định.

Báo cáo của PwC cũng cho rằng, đây là thời điểm "vàng" chuyển giao từ phục hồi sang tăng trưởng với chuỗi cung ứng. Do vậy sự dịch chuyển hay tái cân bằng chuỗi cung ứng là sự cần thiết, dù có những rủi ro đi kèm.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ đóng góp hơn 70% vào tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Do vậy việc tăng cường hợp tác giữa các nước nền kinh tế APEC sẽ là những liên kết kinh tế vô cùng quan trọng. Chuỗi cung ứng khu vực đang dịch chuyển tạo ra những cân bằng mới. Trong bức tranh đó, các tiêu chí về xanh, bền vững sẽ là những yếu tố quyết định trong hợp tác song phương và đa phương hướng tới tăng trưởng xanh.

Tổng thống Mỹ nêu bật mối liên hệ mạnh mẽ với các nền kinh tế APEC Tổng thống Mỹ nêu bật mối liên hệ mạnh mẽ với các nền kinh tế APEC

VTV.vn - Tổng thống Biden cho biết các công ty thuộc các nền kinh tế APEC đã đầu tư hơn 200 tỷ USD tại Mỹ kể từ đầu nhiệm kỳ của ông vào năm 2021.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước