Cùng với xu thế môi trường và công nghệ hiện nay, một hình thức chia sẻ nữa cũng đang bùng nổ là chia sẻ xe đạp. Câu chuyện này đang khá phổ biến tại khu vực châu Á, trong đó có các nước ASEAN.
Vàng, cam, đỏ... những chiếc xe đạp màu sắc sặc sỡ đang xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp các thành phố châu Á và ASEAN nói riêng. Mọi người có thể tìm thấy chúng ở mọi nơi, ngoài ga tàu, trung tâm mua sắm hay các địa điểm công cộng tương tự.
Những chiếc xe này có thể được thuê với giá khoảng 1USD, khoảng hơn 20.000 đồng/giờ, thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Bạn chỉ cần trả tiền trực tuyến, ứng dụng sẽ gửi mã để mở khóa xe.
Bùng nổ ở Trung Quốc, giờ các hãng chia sẻ xe đạp lớn như Ofo, Mobike,và oBike đang thiết lập thị trường ở khắp các nước ASEAN, bắt đầu từ Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích, việc quản lý dịch vụ chia sẻ xe đạp vẫn cần phải được chú trọng. Chính quyền các địa phương ở nhiều thành phố châu Á, nơi xe đạp chia sẻ đang phổ biến đang rất đau đầu với công tác quản lý. Việc dựng, đỗ xe sai quy định chưa thể có cách giải quyết hay nhiều địa điểm bỗng chốc trở thành một nghĩa địa xe đạp chỉ sau một kỳ nghỉ lễ.
Các hãng xe đạp chia sẻ cũng đang đàm phán với chính phủ các quốc gia ASEAN đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như là các làn xe đạp để dịch vụ trở nên thân thiện với người sử dụng hơn.
Tại Thái Lan, 6.000 chiếc xe đạp chia sẻ sẽ được OFO triển khai thử nghiệm tại Bangkok trong tháng 11/2017, sau đó sẽ là các thành phố du lịch khác như Phuket, Chiangmai.
Trong một báo cáo đã phân tích của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey, số hộ gia đình trung lưu ở ASEAN sẽ tăng từ 40 triệu người năm 2010 lên 80 triệu người trong năm 2017 và 263 triệu người vào năm 2030. Đây là một con số tiềm năng cho nền kinh tế chia sẻ, ước đạt giá trị tới 250 tỷ USD vào năm 2020 tại ASEAN.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!